Ngân hàng (NH) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng từ 6%-6,5%/năm còn 5%/năm; NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng bất ngờ điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 6% còn 5%/năm; NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 6,5% lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn 1 tháng còn 6%/năm. Đối với kỳ hạn 3-6 tháng, BIDV, Vietcombank,VietinBank huy động với lãi suất từ 6,8% -7,5%/năm.
Các chuyên gia cho rằng thời điểm này, người dân nên tạm thời gửi tiền vào ngân hàng Ảnh: HỒNG THÚY
Ngân hàng giảm chi phí đầu vào
Về mặt lý thuyết, do 3 NH trên chiếm thị phần quá lớn nên lãi suất của nó thường dẫn dắt thị trường, có thể kéo lãi suất đầu vào các NH bạn giảm theo. Từ đó, lãi suất cho vay sẽ giảm thêm.
Thế nhưng, sau khi BIDV, Vietcombank, VietinBank giảm lãi suất gần một tuần, lãi suất tiền gửi và cho vay tại nhiều ngân hàng khác vẫn chưa giảm. Hàng chục NH vẫn huy động vốn kỳ hạn 1 tháng với lãi suất từ 6,7% -7%/năm, kỳ hạn 3-12 tháng với lãi suất 6,8%-10%/năm.
Tùy theo mục đích và thời hạn vay, nhiều NH vẫn áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất đầu vào cộng với chi phí kinh doanh từ 3%-5%. Do đó, lãi suất cho vay được duy trì ở mức 9%-13%/năm. Đối với doanh nghiệp lớn, các NH áp dụng lãi suất đầu vào cộng với biên độ 1,2%/năm, tính ra lãi suất cho vay phổ biến ở mức 8%-9%/năm.
Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo BIDV cho biết hiện NH này đang dư thừa nguồn vốn ngắn hạn, cho vay chủ yếu là trung và dài hạn nên buộc phải giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, phó tổng giám đốc một NH tại Hà Nội lý giải: "Do các NH thường cho vay với thời hạn tối thiểu là 3-6 tháng nên việc giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng sẽ giúp NH giảm chi phí đầu vào".
Giới phân tích cho rằng các NH giảm mạnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng là để kích thích người dân gửi tiền kỳ hạn dài, phù hợp với thời hạn mà NH cho vay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi NH giảm lãi suất tiết kiệm quá sâu, liệu người dân có thể dồn vốn vào vàng, chứng khoán, USD…?
Vì lãi suất tiền gửi giảm mạnh, không ít người dân đến ngân hàng rút tiền Ảnh HỒNG THÚY
Chưa có tín hiệu chuyển hướng
Trong nhiều ngày qua, không có hiện tượng người dân đổ xô mua vàng. Tuy giá vàng trong nước có tăng vài trăm ngàn đồng/lượng nhưng theo giới kinh doanh vàng, nguyên nhân là do NH Nhà nước ngưng bán vàng, đồng thời các NH thương mại phải mua vàng để tất toán trả lại cho người gửi tiết kiệm. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index cũng tăng, giảm điểm thất thường; còn trên thị trường ngoại tệ, giá USD tự do từ 21.650 đồng giảm còn 21.500 đồng.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường ĐH Mở TP HCM, diễn biến của thị trường vàng, chứng khoán, ngoại tệ… cho thấy người dân chưa dịch chuyển tiền gửi NH. Ông Thuận cho rằng mấu chốt của thị trường tiền tệ là nhà nước cần có chính sách để khơi thông số vốn đang bất động tại các NH. Nếu không nhiều, NH sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất. Khi đó, nhiều khả năng người dân sẽ chuyển hướng đầu tư, nhất là dồn vốn vào USD, tác động không tốt tới tỉ giá hối đoái và đẩy lạm phát đi lên.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH NH TP HCM, cho rằng các NH có thể giảm thêm lãi suất nhưng chỉ đối với kỳ hạn 1 hoặc 2 tháng để hướng người gửi tiền kỳ hạn dài, còn lãi suất các kỳ hạn dài phải giữ từ 7%/năm trở lên nhằm tạo điều kiện cho người dân lựa chọn mức sinh lời. Trong trường hợp các NH giảm mạnh lãi suất kỳ hạn dài thì sẽ là vấn đề đáng lo ngại vì khi sinh lời từ tiết kiệm quá thấp, người dân có thể dồn vốn vào nhiều kênh đầu tư khác.
"Trần lãi suất đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống không quá 7%/năm, lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng được thả nổi đang là cơ hội cho người gửi tiền bởi lạm phát hiện nay đã quá thấp".
TS Lê Thẩm Dương |
Không nên vội vã rút tiền Theo TS Nguyễn Văn Thuận, trong thời gian tới, chưa chắc các kênh đầu tư khác sẽ sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm. Vì thế, thời điểm này, người dân nên tạm thời gửi tiền vào NH. Nếu lãi suất kỳ hạn 1 hoặc 2 tháng quá thấp thì chuyển sang gửi kỳ hạn 3-6 tháng để hưởng lãi suất cao hơn. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng hiện nay, nền kinh tế suy giảm, các NH đang ôm vốn buộc phải giảm thêm lãi suất tiền gửi. Vấn đề là các NH phải giảm thêm lãi suất cho vay thì người gửi mới nghĩ đến việc rút vốn rồi vay thêm của NH để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, tạo thêm việc làm, kích thích kinh tế phát triển. Trường hợp người gửi không tìm được kênh đầu tư với mức sinh lời cao hơn lãi suất tiết kiệm thì nên tiếp tục để tiền tại NH. Nguyên thống đốc NH Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết lãi suất luôn bám sát lạm phát và nếu lạm phát càng đi xuống thì lãi suất tiền gửi lẫn cho vay sẽ xuống theo. Khi đó, người dân có thể rời bỏ kênh đầu tư lãi suất tiền gửi để dồn vốn vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, ông Kiêm cũng khuyến cáo: "Nếu không tìm được môi trường kinh doanh thuận lợi thì người có tiền nên gửi vào NH". |
Bình luận (0)