Trong 20 năm qua, Việt Nam tránh sinh được 18 triệu trường hợp, đã đạt mức sinh lý tưởng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định tình trạng giảm sinh có thể dẫn đến thiếu nguồn nhân lực, nhiều người già phụ thuộc trong tương lai gần.
Không đồng đều
Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tổng tỉ suất sinh (TRF - số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở Việt Nam hiện là 2,05 con. Chỉ số sinh con hiện chưa bằng 1/3 so với nửa thế kỷ trước. Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục
DS-KHHGĐ, với mức sinh này Việt Nam sẽ đạt quy mô dân số cực đại vào năm 2050 với khoảng 110 triệu dân, lúc đó dân số già trên 65 tuổi chiếm 18%. Theo ông Trọng, đây là cơ cấu dân số hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa các lứa tuổi và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tỉ suất sinh giữa các vùng ở nước ta không đồng đều, xuất hiện tình trạng giảm sinh khá nghiêm trọng ở một số khu vực như các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ, TP HCM. Tại TP HCM, năm 2009 có tổng tỉ suất sinh là 1,45% nhưng đến năm 2012 chỉ còn 1,3%. Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM, cho biết mức sinh của TP HCM liên tục giảm trong 10 năm qua, tỉ lệ sinh con thứ 3 cũng chỉ còn 3,71%, thấp hơn mức 5,65% của 10 năm trước (2003). Tại nhiều tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, mức sinh cũng ở mức 1,6-1,7 con. “Theo kinh nghiệm của các nước, nếu để tỉ suất sinh rớt xuống 1,3%-1,4% thì sẽ rất khó “nhấc” lên. Các nước đã và đang giảm sinh thành công nhưng hầu như chưa có nước nào nâng được mức sinh lên khi tổng tỉ suất sinh rơi xuống dưới 1,3%” - ông Trọng cho biết.
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), cho rằng mức sinh ở Việt Nam hiện nay đã xấp xỉ dưới mức sinh thay thế - đây là mức sinh lý tưởng nhất. Tuy nhiên, Việt Nam có nguy cơ sẽ theo xu hướng giảm sinh và tiến tới mức sinh thấp. Việt Nam cần chủ động ứng phó từ bây giờ, không nên đi vào “vết xe đổ” của các quốc gia khác. Nguyên nhân do phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, bận rộn công việc, muốn dành nhiều thời gian cho bản thân hơn nên không muốn sinh nhiều con, thậm chí không lấy chồng, chỉ kiếm một đứa con để nuôi. Lại có nhiều cặp vợ chồng kinh tế khó khăn, tự thấy không nuôi được 2 con đầy đủ nên chỉ sinh 1 con.
Muốn sinh cũng chẳng được
Theo giới chuyên môn, các cặp vợ chồng lười sinh con cũng một phần do áp lực về cuộc sống, kinh tế, tuy nhiên có một thực tế là tỉ lệ vô sinh ngày càng tăng lên, đặc biệt là vô sinh thứ phát, tức vô sinh sau khi đã từng có con. Nguyên nhân của tình trạng này là do hậu quả của viêm nhiễm đường sinh sản gây tắc vòi trứng, tắc ống dẫn tinh hoặc do lối sống không điều độ dẫn đến “ngân hàng giống” bị hỏng hóc...
Vợ chồng anh Trần Thành Công (ở quận Ba Đình, Hà Nội) sinh con đầu cách đây 7 năm. Khi con đầu 5 tuổi, anh chị định sinh con thứ hai. Tuy nhiên, vợ chồng anh “thả” mãi vẫn không có kết quả. Hai vợ chồng đi khám thì bác sĩ cho biết “hạt giống” của anh vừa thưa thớt vừa yếu ớt, không thể nào “bò” lên gặp trứng. Những trường hợp như vậy khá phổ biến.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm điều trị từ
2.500 - 3.000 lượt vô sinh. Theo ông Nguyễn Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong số các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn thì tỉ lệ vô sinh ở nam giới chiếm 40%, nữ giới chiếm 40% và 20% còn lại do cả hai. Điều hết sức lo ngại là tình trạng vô sinh ở những người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) có xu hướng gia tăng và chiếm khoảng 50%. Ông Tiến cho biết nghiên cứu mang tầm quy mô cả nước được thực hiện tại 8 vùng sinh thái gần đây nhất cho thấy có 7%-10% các cặp vợ chồng bị hiếm muộn, không sinh được con nếu không có sự can thiệp của y tế.
Ứng phó với giảm sinh
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác nghiên cứu dân số, GS-TS Nguyễn Đình Cử chỉ ra rằng nhiều yếu tố kinh tế - xã hội và suy giảm sức khỏe sinh sản đang là nguyên nhân kéo giảm mức sinh đi xuống. Nếu mức sinh giảm sâu trong tương lai gần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Trong 10 năm qua đã giảm trên 3 triệu học sinh phổ thông, đồng thời số lượng lao động đến một lúc nào đó sẽ thiếu hụt và tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Do đó, cần phải có sự chuẩn bị để ứng phó với tương lai “toàn người già”.
Là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất nước, bà Tô Thị Kim Hoa cho biết TP khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, khoảng cách từ 3-5 năm và không sinh con thứ ba. Công tác dân số cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tương tự tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết các chiến dịch tuyên truyền về giảm sinh tại Tiền Giang hướng tới việc vận động người dân không sinh con thứ ba, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hướng người dân sử dụng các dịch vụ y tế để nâng cao chất lượng dân số. Hiện mức sinh của địa phương này là 1,9 con/phụ nữ.
GS Nguyễn Đình Cử cho rằng chính sách dân số của Việt Nam cần phải thay đổi, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số, giải quyết các vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số chứ không nên nhìn vào “chỉ tiêu” giảm mức sinh nữa. Hiện tỉ lệ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng khá cao, như vậy nếu có sự bù trừ giữa những gia đình này với gia đình sinh con thứ ba thì mức sinh trung bình vẫn chỉ là 2 con/phụ nữ. Hơn nữa, có một thực tế là phụ nữ hiện đại không muốn sinh nhiều con, nhất là khu vực thành thị. Các nghiên cứu gần đây cho thấy kinh tế càng phát triển thì mức sinh càng thấp, gia đình càng khá giả, càng đẻ ít con. Điều tra dân số năm 1994 ở độ tuổi 25 trở lên, phụ nữ chưa đi học có số con trung bình gấp 2 lần nhóm phụ nữ có trình độ THPT trở lên.
Đừng trì hoãn sinh quá lâu
Theo bác sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, dù y học đã có nhiều tiến bộ nhưng không phải trường hợp hiếm muộn nào cũng có thể có con nhờ sự can thiệp của y học. Các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh nở không nên trì hoãn việc sinh con quá lâu. Thống kê ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho thấy số phụ nữ mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, tỉ lệ thành công ở người dưới 35 tuổi là 40%-45%, 35-40 tuổi chỉ còn 30%-35% và trên 40 tuổi thì chỉ hơn 10%. |
Kinh nghiệm của Hàn Quốc Tại Hàn Quốc, tính từ mốc năm 1983 đã đạt mức sinh thay thế, từ đó đến nay TFR liên tục giảm. Năm 2012, TFR ở mức 1,3 - mức báo động.
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ứng phó với xu hướng giảm sinh” do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức cách đây không lâu, PGS-TS Youngtae Cho, Trường Y tế công cộng, Đại học Quốc gia Seoul, chia sẻ: từ năm 1961 - 1996, Hàn Quốc áp dụng chính sách quốc gia về kiểm soát mức sinh, sau đó thì mức sinh xuống quá thấp. Suốt từ năm 2002, cho dù đã nhận thức ra mối nguy, đưa ra nhiều biện pháp ứng phó nhưng TFR vẫn không nhích lên được. TS Youngtae cho rằng mức sinh cực thấp này khiến Hàn Quốc đối mặt với những khó khăn như không có người trong độ tuổi lao động, già hóa dân số nhanh, không tìm ra đủ người nhập ngũ… Mức sinh thấp cũng gây ra mối quan ngại về chất lượng dân số do sinh con muộn khiến xác suất ca sinh không khỏe mạnh tăng lên. |
Bình luận (0)