Tòa án Giám sát Tình báo Đối ngoại (FISC), một tòa án bí mật của Mỹ, vừa đồng ý gia hạn thẩm quyền của chính phủ trong việc tiến hành chương trình theo dõi điện thoại gây tranh cãi từng bị Edward Snowden vạch trần. Tuyên bố của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) cho biết thẩm quyền tiến hành chương trình nói trên đã hết hạn hôm 19-7 và Chính phủ Mỹ đã thành công trong việc tìm kiếm sự gia hạn thêm 3 tháng từ FISC.
Quyết định gia hạn nói trên được đưa ra trong bối cảnh chương trình theo dõi điện thoại công dân Mỹ đang bị “soi” gắt gao kể từ khi thông tin về chúng được tiết lộ hồi tháng 6. Các nhà hoạt động và những người phản đối cho rằng chương trình này đã xâm phạm sự riêng tư của hàng triệu người dân. Trong động thái được cho là nhằm giảm bớt chỉ trích, giám đốc ODNI James Clapper lần đầu tiên đã quyết định giải mật và công khai thông tin về sự gia hạn nói trên.
Theo hãng tin AP, chương trình này do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành, thu thập những siêu dữ liệu liên quan đến cuộc gọi điện của người dân Mỹ, như những thông tin chi tiết về thời điểm và địa điểm cuộc gọi diễn ra. Chương trình này được thực hiện theo Đạo luật Yêu nước ban hành năm 2001 nhằm mục tiêu chống khủng bố. Các quan chức Mỹ cho biết dù dung lượng dữ liệu thu thập được rất lớn song hoạt động nghiên cứu trên số dữ liệu này là không nhiều và chỉ tập trung vào những thông tin liên quan đến hiểm họa khủng bố.
Dù vậy, đã xuất hiệu nhiều lo ngại rằng liệu chính phủ Mỹ có đang theo dõi trái phép người dân trong và ngoài nước hay không. Tuần qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích các cơ quan tình báo nước này đang vi phạm quyền riêng tư cá nhân và sẽ tìm cách hạn chế thẩm quyền của chính phủ trong việc thu thập dữ liệu điện thoại.
Trong một diễn biến khác, tạp chí Der Spiegel (Đức) hôm 20-7 tiết lộ các cơ quan tình báo Đức đang sử dụng một chương trình theo dõi mật của NSA, gọi là XKeyScore, để hỗ trợ nỗ lực của Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo trên toàn cầu nhằm phát hiện những hoạt động khủng bố khả nghi. Theo Der Spiegel, NSA đang tiếp cận đến 500 triệu kết nối dữ liệu từ Đức mỗi tháng, phần lớn được thu thập bởi XKeyScore.
Các cơ quan tình báo Đức ngay lập tức đã lên tiếng bác bỏ thông tin nêu trên. Ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc Văn phòng Bảo vệ hiến pháp liên bang Đức, cho biết cơ quan này chỉ thử nghiệm phần mềm do NSA cung cấp nhưng không dùng nó trong công việc thực tế. Trong khi đó, ông Gerhard Schindler, Giám đốc Cơ quan Tình báo liên bang, phủ nhận thông tin đã có hàng triệu dữ liệu được gửi từ Đức sang NSA thông qua cơ quan này mỗi tháng.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!