* Phóng viên: Vì sao anh quyết định dàn dựng lại kịch bản Bông hồng cài áo của NSND Kim Cương trong khi bản dựng cũ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng?
- Đạo diễn Vũ Minh: Làm mới một tác phẩm đã có bề dày thời gian và sự ngưỡng mộ của công chúng bảo chứng là một áp lực nặng nề đối với tôi. Nhiều thập niên qua, đã có rất nhiều đạo diễn muốn tái dựng những kịch bản của NSND Kim Cương nhưng chị đều từ chối. Tôi rất vinh hạnh được chị tin tưởng khi đồng ý cho tái dựng tại sân khấu IDECAF một tác phẩm được xem là gia bảo của một gia đình có nhiều đời theo nghề hát này.
Quyết định dựng lại vở kịch tôn vinh người mẹ trong cuộc sống một lần nữa nhắc nhở mọi người phải luôn nhớ đến công ơn trời biển của đấng sinh thành. Xã hội có phát triển đến đâu, mức sống của người dân có tăng đến mấy mà trong mỗi mái ấm gia đình, sự hiếu hạnh đối với cha mẹ giảm sút thì đó là một nền tảng không vững chắc. Điều đáng quý hơn trong kịch bản mang tính nhân văn này là độ bền theo thời gian của câu chuyện. Các nhân vật, sự kiện, tình huống không hề cũ mà trái lại, gần như đi trước thời đại để người xem, người diễn cùng soi rọi chính mình.
* Xu hướng làm mới những tác phẩm một thời vang bóng là một cách làm trong tình hình thiếu vắng kịch bản hay. Thế nhưng, làm mới mà thiếu sự cập nhật đời sống hiện tại để tìm được sự đồng cảm chung của khán giả trẻ thì chắc chắn vở diễn sẽ bị xem là minh họa. Ngược lại, cố đưa nhiều chất liệu mới vào mà làm mờ nhạt giá trị của tác phẩm cũ lại là một việc chẳng nên. Anh có đứng giữa ranh giới này?
- Để không bị phân tâm giữa việc dung nạp chất liệu mới và duy trì những dấu ấn thuộc về Đoàn Kịch nói Kim Cương, tôi đã trao đổi kỹ với NSND Kim Cương. Việc làm mới tác phẩm cũ trong tình hình sàn diễn khan hiếm kịch bản hay là cách mà các nước có nền kịch nghệ tiên tiến đã từng làm. Ban đầu, tôi chọn kịch bản này cho việc dàn dựng tác phẩm báo cáo tốt nghiệp của 2 lớp diễn viên mà tôi và các đồng nghiệp đã giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh
TP HCM. Qua cách tiếp cận kịch bản của những diễn viên trẻ đang háo hức sáng tạo, hơi thở cuộc sống đã tự khắc lấp đầy câu chuyện kịch mà nội dung quá quen thuộc với khán giả.
Theo tôi, ranh giới giữa cũ và mới chính là ý thức truyền đạt thông điệp đến khán giả của thế hệ diễn viên trẻ. Các em có đủ chất thanh xuân để làm tươi tắn nhân vật. Các anh chị nghệ sĩ của sân khấu IDECAF có nhiều vốn sống và kinh nghiệm, đủ sức nâng các em lên để cùng tạo cảm xúc thăng hoa. Tất nhiên, sẽ không có sự minh họa cho đường dây kịch bản cũ, càng không thể xóa mờ tất cả những cái cũ để dung nạp hoàn toàn mới. Điều tôi hướng tới là một câu chuyện thật sự hấp dẫn khán giả, gây xúc động mạnh và có nhiều thông điệp mới.
* Anh tin rằng sẽ truyền đạt được những thông điệp mới qua bản dựng của mình?
- Tội lỗi trên thế gian thì nhiều vô kể, chúng ta không thể nào cùng lúc liệt kê hết được. Tuy nhiên, có những tội lỗi rất lớn mà chúng ta nhất định không được mắc phải. Bởi vì, nếu mắc phải tội lỗi này, chúng ta phải chịu những hậu quả hết sức đau đớn và triền miên, không có cơ hội để sửa chữa. Đó là tội bất hiếu.
Thông điệp quan trọng chính mà vở diễn muốn nói đến là thái độ của những người xung quanh đối với kẻ lỡ lầm, bất hiếu với cha mẹ. Chúng ta phải biết yêu thương họ, giúp họ sám hối, làm lại cuộc đời để tránh lún sâu vào tội lỗi. Sự sám hối thành tâm chỉ giúp người ta không lún sâu thêm vào tội lỗi chứ không thể tiêu trừ hết tội lỗi. Những gì ta gây ra, ta phải chịu hậu quả.
* Thủ pháp dàn dựng của Đoàn Kịch nói Kim Cương bao giờ cũng giản dị mà sâu lắng. Với những thông điệp nặng tính giáo dục, triết lý sống như vậy, liệu những giá trị vốn có sẽ bị giảm sút?
- Tôi trung thành với thủ pháp chân phương trong dàn dựng của Đoàn Kịch nói Kim Cương. Tôi đào sâu tính cách các nhân vật, tạo ra những tình huống chân thật để người xem cảm nhận hết sức nhẹ nhàng... Ở đây, lực diễn và sự cảm nhận chân thành từ con tim của mỗi nghệ sĩ tham gia sẽ là chìa khóa sáng tạo độc đáo nhất cho lần tái dựng này.
* Sắp tới, anh sẽ tái dựng những vở kịch nổi tiếng nào nữa? Phải chăng trong tình trạng thiếu thốn kịch bản hay, việc tái dựng các tác phẩm cũ giá trị đang là chiến lược của Sân khấu Kịch IDECAF?
- Tôi chưa thể nói trước điều gì. Trước đây, chúng tôi đã từng được NSND Kim Cương tín nhiệm cho tái dựng vở Người mua hạnh phúc. Vở Bông hồng cài áo là tác phẩm thứ hai. Sau khi làm đạo diễn chương trình Tạ ơn đời của NSND Kim Cương, tôi và chị đã có nhiều cơ hội để trò chuyện, trao đổi. NSND Kim Cương đã giúp tôi biết trân trọng hơn những điều chị viết.
Chọn mặt gửi vàng NSND Kim Cương cho biết nhiều đạo diễn đã ngỏ ý xin kịch bản của bà để tái dựng trên một số sân khấu. Hãng phim TFS cũng đặt vấn đề mua lại những kịch bản của NSND Kim Cương để phát triển thành phim truyền hình và dàn dựng lại thành kịch. “Tôi đã từ chối vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là phải có sự tham gia của tôi trong các công đoạn chế tác thì tôi mới yên tâm. Hiện nay, do sức khỏe không được tốt, tôi không thể giao những đứa con tinh thần của mình cho việc chuyển thể dài tập hoặc tái dựng mà mình lại đứng ngoài cuộc. Riêng với đạo diễn Vũ Minh và các nghệ sĩ của IDECAF, tôi rất yên tâm. Trước hết, họ đến với kịch bản của tôi bằng cái tâm trong sáng, không chạy theo lợi nhuận và cảm thấy thời điểm chín muồi để tái dựng cho 2 thế hệ diễn viên cùng tham gia. Đó là việc làm hết sức ý nghĩa” - NSND Kim Cương nhận xét. |
Bình luận (0)