xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bún, bánh ướt: Không chỉ có chất tẩy trắng!

THANH NHÂN

Không chỉ sử dụng chất tẩy trắng, một số cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh ướt… còn sử dụng các chất bảo quản, chống mốc, chất tạo mùi…

Như Báo Người Lao Động ngày 23-7 đã đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (CESCON) thuộc Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố kết quả kiểm tra các mẫu bún, bánh cuốn… bán tại TP HCM, phát hiện rất nhiều mẫu chứa độc chất Tinopal.
img
Bún tươi, bánh ướt... bày bán tràn lan tại các chợ ở TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Đủ loại phụ gia độc hại

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc CESCON, cho biết gần đây, qua thông tin báo chí phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh bún tươi chứa độc tố nên CESCON quyết định lấy mẫu kiểm tra. Do không có kinh phí nên CESCON tập trung kiểm tra số lượng mẫu giới hạn và chỉ kiểm tra 2 chất Tinopal và hàn the. Theo đó, từ ngày 15 đến 25-6, CESCON lấy 30 mẫu khảo sát 6 loại thực phẩm là bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn và bánh ướt mua ngẫu nhiên tại 3 siêu thị và 5 chợ trên địa bàn TP HCM. Kết quả, không có mẫu nào chứa hàn the nhưng hầu hết các mẫu đều dính Tinopal. Có 5/6 loại thực phẩm với tổng số 24/30 mẫu khảo sát có chứa Tinopal. Trong đó, 5/9 mẫu bún (56%), 4/4 mẫu bánh ướt (100%), 5/5 mẫu bánh hỏi (100%), 3/4 mẫu bánh phở (75%), 7/7 mẫu bánh canh (100%) có chứa Tinopal. Đặc biệt, trong 8 mẫu lấy ở 3 siêu thị đã có 6 mẫu chứa Tinopal.

Công bố của CESCON khiến nhiều người lo ngại nhưng hiện tượng sử dụng Tinopal (còn gọi là chất tẩy trắng huỳnh quang) đã diễn ra từ nhiều năm nay. Năm 2006, Công ty TNHH XS TM DV Nguyễn Bính (chủ thương hiệu bún tươi Thủ Đức) đã “gõ cửa” cầu cứu các cơ quan chức năng vì thương hiệu bún Thủ Đức bị nhiều cơ sở làm nhái, giả và đa phần các cơ sở này sử dụng nguyên liệu là bột khoai mì tươi, bột lọc để làm bún và dùng nhiều hóa chất - trong đó có Tinopal - để làm trắng, tạo dai sợi bún.

Gần đây, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện nhiều vụ sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất bún. Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sản xuất bún ở quận 8, TP HCM và thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) sử dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc để sản xuất, tái chế bún bán ra thị trường. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế TP HCM, cho biết qua kết quả lấy mẫu sản phẩm thực phẩm bán ở các chợ, chi cục phát hiện các mẫu bún tươi có chứa các chất Tinopal, axít oxalic là các chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm; chất tẩy trắng Na2SO3, chất bảo quản natri benzoat có hàm lượng cao vượt mức cho phép... Tuy nhiên, vì lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường nên chi cục không truy nguyên được nguồn gốc sản xuất.

Theo một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ tinh bột tại TP HCM, ngoài các hóa chất kể trên, một số cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh ướt… còn sử dụng các loại bột chống mốc, chất tạo mùi, formol… Các chất này được bán phổ biến tại chợ đầu mối Kim Biên (quận 5) và rao bán đầy trên các website mua hàng qua mạng.

Cần siết lại khâu quản lý

Theo ông Đỗ Ngọc Chính, điểm bất ngờ nhất trong kết quả xét nghiệm mẫu lần này là cả 3 siêu thị được chọn lấy mẫu đều có sản phẩm chứa Tinopal. Lâu nay, siêu thị được xem là nơi mua sắm tin cậy vì có điều kiện quản lý, kiểm soát chất lượng tốt hơn nhưng qua vụ việc này cho thấy vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi tại các siêu thị chưa thật sự tốt. “Các siêu thị cần phải xem lại cung cách quản lý nhập hàng, chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa bán tại siêu thị, đặc biệt là thực phẩm tươi” - ông Đỗ Ngọc Chính nói.

Vấn đề đặt ra là tình trạng các mặt hàng bún, bánh phở, bánh ướt… chứa chất độc hại đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được kiểm soát một cách triệt để. Sau mỗi đợt kiểm tra, tình trạng dùng hóa chất độc hại có phần lắng xuống nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bùng phát trở lại. Điều này cho thấy các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hoặc chưa chú trọng kiểm tra, kiểm soát hiệu quả và mức chế tài chưa đủ mạnh để răn đe nhà sản xuất.

Theo Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) và Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương, Bộ Y tế là 2 đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các mặt hàng kể trên... Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đã chỉ đạo phòng kinh tế các quận, huyện tập trung danh sách các cơ sở sản xuất bún tươi, bánh canh, bánh ướt trên địa bàn TP HCM. Thời gian tới, sở sẽ làm việc với các cơ sở sản xuất và phối hợp với Sở Y tế, phòng kinh tế các quận, huyện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng này; xử lý kiên quyết các cơ sở vi phạm và đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, sẽ tiến hành hậu kiểm tại các điểm bán ở chợ, siêu thị.

Kết quả kiểm nghiệm của siêu thị: Âm tính với Tinopal

Ngày 23-7, đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết trong 6 tháng đầu năm, Co.opmart chủ động thực hiện test nhanh đột xuất và gửi mẫu đến cơ quan chức năng để kiểm định tổng cộng 3.600 mẫu sản phẩm. Riêng về chất Tinopal, Saigon Co.op đã chủ động lấy mẫu đột xuất sản phẩm bún tươi, bún bò Huế của các nhà cung cấp Bàu Cát, Kiều Trang (nhà phân phối Thu Hương), Cát Tường đang bán tại Co.opmart kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm trong ngày 17-6 và 9-7 của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM không phát hiện chất Tinopal. Vì vậy, Co.opmart vẫn bán các sản phẩm này bình thường và tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến sự việc để có động thái phù hợp.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống BigC, cũng cho biết tiếp tục bán mặt hàng bún tươi của nhà cung cấp Trung Kiên, bánh hỏi từ nhà cung cấp Tam Nông đồng thời chủ động lấy mẫu đi kiểm tra chất Tinopal để bảo đảm chất lượng sản phẩm bán ra. Theo bà Trang, đầu tháng 7, BigC đã kiểm nghiệm định kỳ chất Tinopal trên bún tươi và kết quả âm tính. Maximark thì cho biết đã ngưng kinh doanh mặt hàng này.

Có thể gây ung thư

Theo các chuyên gia hóa học, Tinopal là chất dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy... vì có màu óng ánh, đẹp. Tinopal được dùng để cải thiện độ bóng bề mặt của sợi bún, bánh ướt... nhìn hấp dẫn hơn, không bị thiu khi để lâu. Việc dùng Tinopal tẩy trắng thực phẩm có thể làm hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Ngoài ra, có thể làm tổn thương nhung mao khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Ăn bún chứa Tinopal lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và có thể ung thư.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo