Con nhà nghèo bị thiệt
Nhà nước chỉ đầu tư cho một số trường, còn những trường khác thì sao? Về nguyên tắc, nếu đã có trường CLC thì cũng có trường chất lượng thấp. Chẳng lẽ nếu không được nhà nước đầu tư cảnh quan xanh, sạch, đẹp; có phòng học bảo đảm điều kiện nhiệt độ, ánh sáng; có đủ các phòng chức năng, phòng, bộ môn phục vụ chương trình CLC; thiết bị giáo dục đồng bộ, hiện đại, internet, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn… thì chất lượng đào tạo của các trường thấp, sản phẩm đầu ra của họ không đáng tin cậy? Tôi không tin là như thế. Thật hài hước khi nghĩ đến việc tương lai sẽ có một lứa công dân “chất lượng cao” và những “công dân cấp thấp” vì chủ trương này.
Chúng ta đang hướng đến sự bình đẳng trong giáo dục nhưng chính chính sách này lại đẩy mạnh khoảng cách giàu nghèo. Đáng ra, khoảng cách này phải được hạn chế tối đa trong môi trường giáo dục. Dân đóng góp thuế cho nhà nước như nhau nhưng sự hưởng thụ sao lại khác nhau? Với mức sống của người dân như hiện nay, nói thực, trường CLC chỉ phục vụ cho con nhà giàu. Công chức nhà nước thì không kham nổi mức học phí của trường này cho con cái học tập. Còn con nhà nghèo, dù học giỏi, làm sao dám mơ được học trường CLC. Điều này khiến trẻ em cũng tự phân biệt giàu nghèo, em thì tự ti, em thì coi thường bạn học.
Đó là chưa nói chính sách này mâu thuẫn với quy định phải học đúng tuyến của ngành giáo dục hiện nay. Giả dụ trường A đóng tại phường tôi ở, được đầu tư là trường CLC nhưng gia đình không có đủ 3 triệu đồng/tháng để đóng học phí thì biết gửi con cháu vào đâu? Sang trường khác ư, người ta chắc chắn sẽ không nhận vì phải nhận học sinh đúng tuyến của phường mình. Như vậy là chỉ vì tiền, con cháu tôi sẽ thất học, trong khi nhà nước đã phổ cập giáo dục tiểu học từ lâu rồi.
Phải bình đẳng trong giáo dục
Cũng có quan điểm cho rằng trong khi nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư cho tất cả thì nên có những trường CLC đi “tiên phong” để kéo nền giáo dục thoát khỏi tình trạng trì trệ. Tôi công nhận tiền nào của nấy, nếu thu nhập không đủ sống thì giáo viên không thể dồn tâm sức dạy tốt được nhưng nếu nhà nước thiếu tiền, không “ôm” nổi việc đầu tư cho các trường công thì hãy huy động tiền của dân để nâng cao chất lượng dạy học. Hãy tạo điều kiện để các trường tư thục phát triển mô hình trường CLC, hãy cho họ thuê đất, cho vay vốn và hỗ trợ về thuế.
Muốn có những trường công CLC thì có thể có cách làm khác hợp lý hơn, phải xã hội hóa một cách căn bản chứ không thể nửa vời thế này. Chẳng hạn thống kê xem ngân sách nhà nước có thể “bao” được bao nhiêu trường CLC để đầu tư toàn bộ, đầy đủ về cơ sở vật chất, nội dung các môn học chủ yếu theo chương trình chuẩn quốc gia nhưng được phép bổ sung và tinh giản thật hợp lý. Các thầy cô giáo được tuyển dụng đặc biệt và có đãi ngộ xứng đáng, học sinh phải trải qua kỳ thi tuyển khắt khe để tìm được những tài năng nhưng khi vào học thì không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào. Ngoài ra, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi còn có thể được hưởng học bổng. Như thế chúng ta vẫn có một số trường phổ thông công CLC mà vẫn bảo đảm sự bình đẳng trong giáo dục. Học sinh ở đâu, dù học tốt vẫn được học trường CLC chứ không phải con nhà giàu, có tiền là được vào học, con nhà nghèo thì không.
Bên cạnh đó, nhà nước phải có chính sách ưu đãi cho các trường dân lập, tư thục. Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp, được thuê đất, ưu đãi thuế… với điều kiện phải cam kết về chất lượng dạy học. Ai có tiền thì cho con vào học các trường này.
“Tôi không đồng tình với chủ trương này. Tôi nghĩ nhà nước phải có sự cân đối đồng bộ, phải khuyến khích xã hội mở ra những trường CLC chứ không phải đẩy mạnh phân hóa giàu - nghèo hơn nữa như chủ trương này” - PGS Trần Xuân Nhĩ |
Bình luận (0)