xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hay ho gì “rap bẩn”!

LỆ MINH

Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì liệu thứ âm nhạc được định danh “ráp bẩn” này có cần thiết phải dung nạp?

Báo Người Lao Động số ra ngày 10-7 đã đăng bài Trên cả thảm họa, với nội dung lên tiếng cảnh báo về hậu quả của những thứ âm nhạc độc hại mạo danh nghệ thuật khi chúng được du nhập phổ biến công khai trong vài chương trình biểu diễn và trên nhiều phương tiện nghe nhìn khác. Nhiều ý kiến bạn đọc đã bày tỏ đồng tình với bài báo nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng rap là như vậy, phải bạo lực, văng tục, chửi thề mới gần gũi với cuộc sống!

img
Rapper Suboi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một thời được trân trọng

Rap bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ nhiều nguồn. Ngoài những rapper Mỹ là những rapper Hàn Quốc, rapper Việt ở hải ngoại, du học sinh Việt Nam từ các nước. Trước năm 2002, ở Hà Nội đã xuất hiện các câu lạc bộ rap như: DaRapclub, Vietrap, Rapclub. Đây là những nơi để người yêu thích thể loại này có thể trao đổi thông tin về nhạc rap quốc tế và cùng trình bày, thưởng thức những bản rap Việt đầu tiên.

Ở TP HCM, rap xuất hiện vào khoảng năm 2002 nhưng chủ yếu là sự tìm tòi, thể nghiệm. Một trong những rapper tên tuổi đầu tiên là Đinh Tiến Đạt (Mr Dee). Anh vẫn đáng được ghi nhận là một trong những người đầu tiên đưa rap đến công chúng ở TP HCM.

Với album rap đầu tiên mang tên Giao thông - gồm những ca khúc như Chí Phèo, Đi học…, nhất là Giao thông - một thông điệp tuyên truyền an toàn giao thông rất ấn tượng lúc bấy giờ đã được thể hiện. Ngoài ra, bài dân ca Trống cơm đã thể nghiệm cách hát rap trên nền một số nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, mõ...

Với một số đặc tính như âm nhạc sôi động, lời ca không quá cầu kỳ, gần như bài văn xuôi có vần nên rap chuyển tải được nhiều nội dung, thích hợp để thể hiện cá tính, cái “tôi” mà người trẻ thường thích khẳng định. Do vậy, rap đã nhanh chóng được giới trẻ đón nhận, hưởng ứng, hình thành một “lực lượng” rapper Việt chuyên viết lời và hát rap.

Nhiều tên tuổi rapper đã xuất hiện: Karik, Lil’ Knight, Rapsoul, Hoàng Rapper…, trong đó có cả các bóng hồng như Suboi, Emili… Các rapper Việt Nam ngày càng hoàn thiện về kỹ thuật, được giới rap quốc tế công nhận và trân trọng. Rap Việt cũng đã có đẳng cấp trong khu vực, đạt được nhiều giải Đông Nam Á về nhảy hip hop, graffiti, tham gia nhiều liên hoan hip hop quốc tế. Một số rapper Việt Nam cũng đã có cơ hội ra nước ngoài biểu diễn hoặc kết hợp với các nghệ sĩ rap, nhà sản xuất nước ngoài, như sự kết hợp của Suboi với 454Life Entertainment trong Hold you down.

Những bài hát rap của họ đã đề cập nhiều vấn đề của cuộc sống, như: Phu xe (Rapsoul), Đơn giản (Hoàng rapper), Những đứa bạn (Suboi)… Nhiều bài rap về tình cảm với cha mẹ rất cảm động: Ba tôi (Lill Shin), Sorry mom (Karik), Người mẹ nghèo (Mr Đùm)…

Có những ca khúc rap đã trở thành “hot”, được sự chú ý và yêu thích của nhiều người, như: Tau thích mi của Lil’Pig, một rapper miền Trung bị bệnh xương thủy tinh - thổ lộ một tình yêu đơn phương rất dễ thương, xúc động; Quê hương Việt Nam của Anh Khang kết hợp cùng Suboi, rap trên nền giai điệu được diễn tấu bằng đàn nhị; bài rap về Đoàn thanh niên khá thú vị đã tạo cơn sốt trên mạng: Bài ca đồng lòng của rapper Nguyễn Hùng.

“Quái thai” của rap

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, thời gian gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều ca khúc rap với những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, thậm chí chửi bới, nội dung đề cập những vấn đề bạo lực, ma túy, tình dục... Một số ý kiến cho rằng rap là như vậy nên không có gì đáng lên án, rằng phải công nhận những thể loại ấy thì nghệ thuật Việt Nam mới “vươn ra thế giới” được.

Bên cạnh đó, một dòng ý kiến khác cho rằng cần phải có sự chọn lọc, điều chỉnh vì những thể loại nhạc như vậy không phù hợp với đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam.

Gốc rễ của rap không phải từ những ghetto mà từ một số loại hình âm nhạc truyền thống của người Mỹ da đen. Ghetto chỉ là một trong những thành phần tham gia trong loại hình âm nhạc này. Ngay trên đất Mỹ, rap cũng có nhiều thể loại, có thể tạm phân chia theo nội dung là rap “sạch” và ráp “bẩn” .

Hardcore rap, gangsta rap, mafioso rap, dirty rap… là những thể loại có chung đặc tính: Sự giận dữ, gây hấn, đối đầu. Chủ đề, ca từ của những loại rap này phản ánh về tội phạm, bạo lực, tình dục, nghiện ma túy, gangster, ghetto (khu ổ chuột nơi những người bị sức ép về pháp lý, kinh tế, phân biệt chủng tộc sinh sống )…

Gán cho rap những thuộc tính đường phố, thô lỗ, tục tĩu, băng đảng… là sự nhìn nhận còn khiếm khuyết. Chính Melle Mel trong bài phát biểu của mình cũng đã kêu gọi các thành viên trong ngành công nghiệp ghi âm Mỹ hãy làm nhiều hơn để khôi phục một nền âm nhạc hip hop với văn hóa nghệ thuật vốn có chứ không phải là văn hóa bạo lực.

Khi đón nhận điều gì mới mẻ, chúng ta cần có sự chọn lọc. Vậy có nên đón nhận một thể loại âm nhạc mà ngay tại nơi sản sinh ra nó cũng gọi bằng cái tên “Dirty rap”? Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì liệu thứ âm nhạc được định danh “ráp bẩn” này có cần thiết phải dung nạp?

Rapsoul: Sao chép máy móc

Những bài rap thuộc dòng “Dirty rap”, “Gangsta rap” cũng là một bộ phận của rap. Tuy nhiên, thể loại này xuất phát từ những khu ổ chuột của Mỹ nên khi bê nguyên xi dòng rap ấy vào Việt Nam, chúng không phù hợp lắm và là sự sao chép một cách máy móc.

Suboi: Chỉ là bắt chước

Ai cũng nghĩ rằng đã là rap thì muốn nói gì cứ nói nhưng thật sự, đôi khi nó phản tác dụng. Quan điểm của rap là nói thẳng, nói thật nhưng đôi khi với một số rapper, đó chỉ là sự làm quá lên - khi mình không phải gangster nhưng cố làm ra vẻ gangster. Mọi sự bắt chước đều chỉ là bắt chước. Hơn nữa, hip hop là một loại hình nghệ thuật của Mỹ. Chúng ta cần tôn trọng nhưng những nội dung, ca từ của hip hop Mỹ khi đưa vào Việt Nam cần có sự cân nhắc. Tôi sẽ không cổ xúy cho thể loại rap này.

Đinh Tiến Đạt: Tự “áp bức” mình

Từ khi rap mới có mặt ở Việt Nam, đã có những bài chửi thề, nói tục như vậy rồi nhưng vì lúc đó đều phải qua sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý nếu muốn phát hành. Gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người ta có thể tự sáng tác và đưa rap lên mạng. Bên cạnh đó là sự dễ dãi của các trang mạng, không kiểm duyệt nội dung mà chỉ cần có bài “hot” đăng lên để câu “view”.

Các bạn trẻ sau khi đưa bài rap lên, gây được sự chú ý của nhiều người thì lấy làm thích thú, không cần quan tâm nó tốt hay xấu. Việc nên hay không nên nghe, sáng tác những thể loại này còn tùy mỗi người, riêng tôi thì không thích. Các bạn trẻ cũng nên vậy, những người nhận thức tốt thì nghe có chọn lọc. Trong xã hội Việt Nam không có phân biệt chủng tộc, cũng chẳng có áp bức. Các bạn đã tự “áp bức” mình để tạo “tiếng nói riêng”. Vấn đề là ở chỗ rap Việt thì nên nghĩ đến việc đưa những gì của Việt Nam ra thế giới. Điều đó hay hơn là chỉ lấy của thế giới về xài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo