xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khắc khoải Vị Xuyên: Không thể lãng quên

VĂN DUẨN

Gần 30 năm sau cuộc chiến, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Đồng đội và người thân của các anh luôn day dứt nhưng bom mìn còn sót lại quá nhiều đã ngăn trở việc tìm kiếm

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 1.700 ngôi mộ, phần lớn là của những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong các trận chiến đấu chống quân Trung Quốc để giành lại các cao điểm thuộc xã biên giới Thanh Thủy. Trong đó, có rất nhiều ngôi mộ vô danh.

img
Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hàng ngàn cán bộ,
chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc Ảnh: ĐÌNH THẮNG

Ngày giỗ tập thể

Những cựu binh Sư đoàn 356 cho biết cứ đến ngày 12-7 hằng năm, họ lại gặp nhau để tưởng nhớ hàng trăm đồng đội đã khuất mặt. Ông Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - day dứt: “Không ai có thể nguôi ngoai hay lãng quên những đồng đội đã hy sinh. 29 năm rồi, anh em vẫn còn nằm lại chiến trường xưa... Chúng tôi luôn mong mỏi một ngày nào đó, tất cả đồng đội đã ngã xuống trên cao điểm 772 được đưa về với quê hương, gia đình”.

Theo ông Hoàng Thế Cương, Trưởng Ban liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Hà Giang, nhiều cựu binh của đơn vị này từ mọi miền Tổ quốc đều cố gắng tề tựu về Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, lên Đài Tưởng niệm Thanh Thủy để tưởng nhớ đồng đội vào ngày 12-7. “Hàng chục năm nay, chúng tôi xem đó là ngày giỗ chung của anh em sư đoàn đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên” - cựu binh Nguyễn Văn Kim, Trưởng Ban Liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Yên Bái, cho biết.

Theo chân những cựu binh Sư đoàn 356, chúng tôi lên Đài Tưởng niệm Thanh Thủy dâng hương. Đứng trên đồi cao, các cựu binh bồi hồi phóng tầm mắt quanh khu vực vốn là chiến trường ác liệt 29 năm trước. Suối Thanh Thủy đỏ quạch vẫn cuồn cuộn chảy. “Ngã ba cửa tử” giờ đã mọc lên những căn nhà đẹp đẽ, khang trang. “Khi đào móng dựng nhà, bà con thường phát hiện những bộ hài cốt bộ đội ta. Ngày nào chúng tôi cũng lên đây dọn dẹp và hương khói để các anh luôn được ấm cúng” - một cán bộ UBND xã Thanh Thủy xúc động.

Tham gia chiến dịch chống quân Trung Quốc lấn chiếm những điểm cao thuộc chủ quyền Việt Nam khi tuổi chưa tròn đôi mươi, nay những người lính Sư đoàn 356 tóc đều điểm bạc. Theo ông Nguyễn Văn Kim, ngoài việc viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên và dâng hương Đài Tưởng niệm Thanh Thủy, các cựu binh Sư đoàn 356 bao giờ cũng sắm sửa mâm lễ rồi đi ngược lên cao điểm 772 để “gặp gỡ” bao đồng đội còn nằm lại chốn này.

“Không ai có thể yên lòng khi hài cốt nhiều anh em vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Anh em nào đã về yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên thì còn được thăm viếng, khói hương. Còn trên các cao điểm 772, 685 hay ở Đồi Xanh, Khe Cụt, Nậm Ngặt..., rất nhiều đồng đội của chúng tôi hiu quạnh suốt 29 năm nay” - ông Kim xót xa.

Bom mìn ngăn trở

Nhiều cựu binh bảo rằng cứ đến tháng 7 hằng năm, họ lại thao thức, khắc khoải, hình ảnh đồng đội đang còn nằm lại ở chiến trường năm nào luôn hiện lên ám ảnh. “Riêng Tiểu đoàn 3, số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ở Vị Xuyên ngày 12-7-1984 trên dưới 200 người nhưng chỉ không quá 10 liệt sĩ có tên tuổi được quy tập hài cốt về Nghĩa trang Vị Xuyên, còn lại đều vô danh hoặc vẫn nằm đâu đó trên cao điểm 772” - ông Đặng Việt Châu trăn trở.

Cựu sĩ quan Sư đoàn 356 Nguyễn Xuân Đệ, thương binh đang sinh sống tại Vị Xuyên, cho biết sau khi rời quân ngũ, cuộc sống của ông cũng như nhiều cựu binh khác tuy bộn bề khó khăn, ai cũng lo toan mưu sinh nhưng ký ức về một thuở bi hùng vẫn luôn dâng tràn. “Tháng 7 năm nào nhà tôi cũng đón rất nhiều khách, phần lớn họ là thân nhân của các đồng đội đã hy sinh đến cúng viếng hoặc trên đường tìm hài cốt. Những cựu binh Sư đoàn 365 và người nhà liệt sĩ đều có chung một mong ước cháy bỏng: Hài cốt tất cả anh em đồng đội được đưa về với quê hương, gia đình” - ông Đệ cho biết.

Tại sao đã 29 năm trôi qua mà rất ít liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên nói chung và cao điểm 772 nói riêng được tìm thấy hài cốt? Ông Đặng Việt Châu giải thích: “Nhiều khu vực ở chiến trường Vị Xuyên, nhất là cao điểm 772, bom mìn còn sót lại nhiều vô kể. Vì thế, việc đi tìm kiếm hài cốt đồng đội là cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi và thân nhân liệt sĩ luôn chờ đợi nhà nước có kế hoạch rà phá hết bom mìn ở khu vực này để việc đi tìm kiếm, quy tập hài cốt anh em thuận lợi hơn”.

Ông Châu cho biết chiến trường Thanh Thủy - Vị Xuyên tuy không rộng lớn nhưng những người lính ở khắp mọi miền đất nước hầu như đều có mặt. “Mỗi người đều cùng chung tay góp sức thì chắc chắn một ngày không xa, những cán bộ, chiến sĩ còn nằm lại chiến trường Vị Xuyên năm nào sẽ được tìm thấy và đưa về nơi yên nghỉ đàng hoàng. Bộ Quốc phòng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành quy tập hài cốt anh em” - ông Châu kỳ vọng.

Tuổi xuân giữ lại chốn này

Ông Đặng Hữu Châu còn có mong ước xây một am nhỏ ngay tại khu vực sở chỉ huy của Sư đoàn 356 ngày nào trong thung lũng Nậm Ngặt ở Vị Xuyên. “Khi hàng trăm liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi đây thì tháng 7 hằng năm, đồng đội và thân nhân đến chiến trường xưa có chỗ mà thắp nén tâm hương để anh em luôn được ấm lòng” - ông Châu tâm sự.

Chưa xây được am, chưa tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ vì bom mìn ngăn trở, ông Châu gửi gắm tình cảm với đồng đội qua những vần thơ mộc mạc: Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý/ Tiến, Công, Ký, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm.../Nơi nghĩa trang, có danh và vô danh/ Trong hố chôn chung hay nằm rải rác/ Nơi thung sâu Nậm Ngặt hay Khe Cụt đồi xanh/ Người nằm lại và tuổi xanh mãi mãi/ Bảy bảy hai, bảy bảy hai/ Tuổi xuân giữ lại chốn này...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo