Thời gian qua, tình hình buôn lậu tại các cửa khẩu rất phức tạp”. Đó là nhận định của Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP và các sở, ngành về tình hình phòng chống buôn lậu tại các cửa khẩu hải quan trên địa bàn thành phố chiều 26-7.
Kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Ngày càng nghiêm trọng
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, thời gian qua, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tăng nhanh. Nếu năm 2010, hải quan thành phố phát hiện 3.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại thì năm 2012 đã tăng lên đến 6.909 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 3.401 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm với nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Đáng báo động nhất là tình trạng buôn lậu ma túy. Trong tháng 7-2013, lực lượng hải quan sân bay ở TP HCM đã phát hiện 17 kg ma túy xuất ra nước ngoài. Tính từ năm 2012 đến nay, Cục Hải quan TP HCM đã phát hiện, bắt giữ khoảng 80 kg ma túy các loại. Đặc biệt, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện và bắt giữ 3.186 bó ERIMINS (796.500 viên) có chứa thành phần Nimetazapam là chất hướng thần, ước tính trị giá trên 300 tỉ đồng...
Cơ quan chức năng còn phát hiện và bắt giữ nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, công cụ hỗ trợ, thiết bị phát sóng, quay phim - chụp ảnh - nghe lén, tài liệu phản động… Việc xử lý tội phạm buôn lậu cực kỳ khó khăn do cơ quan điều tra phải chứng minh được hàng lậu đã qua biên giới chưa và giá trị tiền, hàng phải trên 100 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, Cục Hải quan TP HCM cho biết thời gian qua, do thực hiện hải quan điện tử nên có đến 90% hàng hóa thông quan không cần kiểm tra. Do đó, các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thông thoáng để tăng cường hoạt động.
Cục Hải quan TP HCM đã phát hiện nhiều vụ doanh nghiệp không làm thủ tục hải quan cho lô hàng nhập khẩu, dùng phiếu xuất/nhập kho/bãi do doanh nghiệp kinh doanh cảng phát hành, đóng dấu giả của công chức hải quan, xuất trình cho bảo vệ để đánh tháo hàng ra. Nhiều đối tượng còn có hành vi giả mạo tờ khai hải quan không có trong cơ sở dữ liệu để thanh lý, mang hàng ra khỏi cảng; giả mạo các chứng từ của bộ hồ sơ hải quan…
Lãnh đạo UBND TP HCM xem xét một số hàng hóa nhập lậu bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ Ảnh: Xuân Đặng
Nan giải vàng, thuốc lá lậu
Nổi lên thời gian qua là tình trạng buôn lậu vàng. Ông Hồ Văn Mười, Phó Cục trưởng Cục An ninh tài chính - Tiền tệ - Đầu tư thuộc Tổng cục An ninh II, cho biết tổng cục đang chỉ đạo, xác lập kế hoạch kiểm soát buôn lậu vàng vì giá vàng trong nước và thế giới đang chênh lệch cao, có thời điểm đến 7 triệu đồng/lượng.
Theo ông Vũ Hồng Nam, Trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP HCM, Công an TP đang nắm nhiều đầu mối nhập lậu vàng nhưng chưa xử lý được. “Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, nhập lậu 1 kg vàng (26,6 lượng) có thể lãi hơn 100 triệu đồng nên vàng lậu về nhiều, không chỉ qua đường hàng không mà còn qua các cửa khẩu đường bộ. Để đối phó với quy định cấm nhập khẩu vàng miếng, đối tượng nhập lậu cắt thành 2-3 miếng nhỏ, cơ quan chức năng biết rõ nhưng không làm gì được” - đại tá Vũ Hồng Nam lo ngại.
Việc xử lý thuốc lá lậu cũng có vẻ “bắt cóc bỏ dĩa”. Lực lượng công an có thể bắt 5.000-7.000 cây thuốc lá lậu nhưng chặt đứt cả đường dây buôn thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam thì rất khó.
Thuốc lá lậu chủ yếu vận chuyển vào Việt Nam bằng đường thủy. Ghe chở thuốc lá lậu canh lúc không có lực lượng công an là tràn vào, có khi đi tập trung thành đoàn 15 chiếc. Khi bị phát hiện, đối tượng buôn lậu chủ động nhấn chìm ghe… TP HCM là thị trường tiêu thụ, cửa khẩu đường sông ở Long An là nơi thuốc lá lậu tập kết về nên muốn chặt đứt đường đi của thuốc lá lậu, không có cách nào khác ngoài việc phải phối hợp liên tỉnh chặt chẽ.
Kẽ hở từ việc thiếu đồng bộ Theo Thiếu tướng Lê Trung Kiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, song song với việc thông thoáng thủ tục hải quan, các nước đã trang bị trang thiết bị kiểm soát tại các cửa khẩu. Trong khi đó, Việt Nam dù đã áp dụng hải quan điện tử nhưng trang bị hỗ trợ vừa thiếu lại vừa yếu. Trong điều kiện hiện tại, có thể hướng đến khả năng xã hội hóa việc đầu tư trang thiết bị, cụ thể là máy soi container. Bà Nguyễn Thị Thu Hương kiến nghị phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là nối mạng giữa hải quan với các cơ quan chức năng để chủ động kiểm soát hàng nhập lậu. |
Bình luận (0)