xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nơi hội tụ trí tuệ

HÀM CHÂU

Hôm nay (29-7), tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX với sự tham dự của 5 nhà bác học đoạt giải thưởng Nobel và gần 200 nhà vật lý đến từ khắp các châu lục

Đáp lại lời mời dự cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX, từ ngày 29-7 đến 17-8, mới đây, trong bức thư gửi GS Trần Thanh Vân, GS Jack Steinberger, nhà bác học người Mỹ gốc Đức, đoạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 1988, viết: “Cảm ơn anh về lời mời. Tôi vui lòng nhận lời. Tôi đánh giá rất cao những gì anh đã làm cho lĩnh vực vật lý của chúng ta và những gì anh đang làm để xây dựng ngành vật lý ở đất nước anh”.

Những ngôi sao vật lý

Tác giả bài báo này vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm ấm lòng khi được mời tham dự cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần I tại Nhà khách Bộ Quốc phòng ở phố Phạm Ngũ Lão, TP Hà Nội vào tháng 12-1993. Có thể nói đó là một cuộc gặp gỡ về khoa học lớn, theo đúng chuẩn mực quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức thành công ở nước ta.

Lúc bấy giờ, nhà cầm quyền Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam. Nước ta chưa mở đại sứ quán tại Washington DC. Muốn tới Việt Nam, trước hết, các nhà vật lý Mỹ phải bay sang Paris (Pháp) hay Bangkok (Thái Lan) rồi đến đại sứ quán nước ta làm thị thực nhập cảnh. Nhiêu khê đến vậy nhưng GS Jack Steinberger cùng nhiều nhà vật lý Mỹ khác vẫn cứ tới Hà Nội. Rồi khi trở về, ông liền gửi một bức điện đến Tổng thống Mỹ Bill Clinton yêu cầu bỏ lệnh cấm vận phi lý kéo dài bởi Việt Nam đang chìa bàn tay thân ái với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, kể cả Mỹ.

img
GS Trần Thanh Vân (trái) đón tiếp một nhà khoa học đến tham dự cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX. Ảnh: HỒNG ÁNH

20 năm sau, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã thay đổi. GS Jack Steinberger nay đã 92 tuổi nhưng vui vẻ trở lại Việt Nam, mặc dù lòng vẫn còn trĩu nặng về cuộc chiến tranh trước đây.

Một nhà bác học Mỹ khác là George Smoot, đoạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 2006, cũng có mặt tại cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX. Ngay từ cuối năm 2012, ông đã gửi đến GS Trần Thanh Vân những dòng thư: “Tôi rất vinh dự được là thành viên Ban Cố vấn quốc tế của hội nghị và sẽ cố gắng đóng góp hết khả năng của mình”.

Sinh năm 1945 tại Florida (Mỹ), George Smoot đỗ cử nhân kép về toán học và vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts năm 21 tuổi, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 25 tuổi, hiện là GS vật lý thiên văn và vũ trụ học của Đại học Berkeley ở bang California (Mỹ). Ông được tặng giải thưởng Nobel Vật lý cùng với John C. Mather. Công trình được hoàn thành nhờ sử dụng vệ tinh COBE (Cosmic Background Explorer: Người thăm dò bức xạ nền vũ trụ). Khám phá ấy khiến việc đo lường lỗ đen và bức xạ nền vũ trụ trở nên khả thi và chính xác hơn nhiều. Kết quả đưa ra được một bằng chứng mới cho lý thuyết Big Bang, tức là lý thuyết cho rằng vũ trụ được khởi đầu cách đây gần 13,7 tỉ năm bằng một… vụ nổ lớn!

David J. Gross là nhà bác học người Mỹ gốc Israel, được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 2004, cũng đã gửi thư cho GS Trần Thanh Vân như sau: “Tôi rất vui mừng được tham gia Ban Cố vấn quốc tế của hội nghị và hy vọng có thể đến dự, đặc biệt là vì tôi chưa lần nào tới Việt Nam”.

David J. Gross sinh năm 1941 ở Israel, đỗ thạc sĩ tại Đại học Hebrew Jerusalem năm 21 tuổi, bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý tại Đại học Berkeley ở bang California năm 25 tuổi. Năm 1973, ông làm việc tại Đại học Princeton (Mỹ) và đã phát hiện hiện tượng tiệm cận tự do trong tương tác mạnh. Điều đó có nghĩa là khi các quark càng ở gần nhau hơn thì tương tác mạnh giữa chúng càng trở nên nhỏ hơn khiến chúng có thể hành xử như những hạt tự do. Khám phá của ông có ý nghĩa rất quan trọng trong lý thuyết tương tác mạnh. Sự có mặt của những nhà bác học đỉnh cao như ông tại TP Quy Nhơn cho thấy nội dung cuộc gặp “đụng chạm” đến những vấn đề vật lý mới mẻ nhất và là nơi hội tụ những trí tuệ lớn bên cạnh các nhà nghiên cứu trẻ đang sung sức, hăng say.

Ngoài ra, có 2 nhà bác học đoạt giải thưởng Nobel Vật lý khác cũng tới Quy Nhơn lần này là Sheldon Lee Glashow và Klaus von Klitzing.

Sheldon Lee Glashow sinh năm 1936 tại New York, người Mỹ gốc Do Thái, đỗ cử nhân năm 18 tuổi, tiến sĩ năm 23 tuổi, trở thành giáo sư Đại học Harvard năm 30 tuổi. Ông được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 1979 vì đã cùng S. Weinberg (Mỹ) và A. Salam (Pakistan) thống nhất được tương tác điện từ với tương tác yếu thành tương tác điện - yếu, tạo nên bước tiến đột phá trong vật lý hạt cơ bản. Klaus von Klitzing sinh năm 1943 tại Đức, đỗ tiến sĩ năm 29 tuổi, tham gia nghiên cứu ở Anh - Pháp rồi trở thành giáo sư tại Đại học Kỹ thuật Munchen năm 37 tuổi. Ông được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 1985 do khám phá hiệu ứng Hall lượng tử. Tên ông được đặt cho một hằng số vật lý mới do ông khám phá là Hằng số von Klitzing.

Cơ hội vàng

Cách đây chưa lâu, vào tháng 7, rồi tháng 12-2012, các cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần VII và VIII liên tiếp diễn ra tại TP Quy Nhơn. Hàng trăm nhà vật lý nước ngoài, đông nhất là Mỹ và Pháp, đã có mặt. Số nhà vật lý châu Á đến dự cũng ngày càng đông hơn, từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan... Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ ấy chỉ là khúc dạo đầu, tập dượt cho các nhà vật lý từ Âu, Mỹ xa xôi thông tỏ “đường đi lối về” tới Quy Nhơn, một thành phố có phần lạ lẫm đối với họ.

Điều mà GS Trần Thanh Vân trông đợi nhất chính là cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX với một loạt hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay như: Hội nghị về Vũ trụ học và Kỷ nguyên Planck, hội nghị về Lực hấp dẫn và thuyết tương đối rộng, hội nghị về Vật lý nano: Từ cơ bản đến ứng dụng, hội nghị Cửa sổ nhìn ra vũ trụ.

Chưa một cuộc hội nghị khoa học quốc tế nào tổ chức tại châu Á mời được nhiều nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel như thế. Bên cạnh các nhà bác học lỗi lạc nói trên, mấy trăm nhà vật lý của nhiều quốc gia cũng đã và đang ghi tên đến Quy Nhơn.

Về vật lý hạt, có những nội dung thời sự như: Sự sinh ra và các tính chất của hạt Higgs, Tìm kiếm một vật lý học mới, Hiện tượng luận và vật lý học vượt qua mô hình chuẩn, Sự sinh ra và tính chất của các hạt quark nặng, Nghiên cứu về tương tác yếu và sắc động lực học lượng tử, Kết quả mới nhất về va chạm ion nặng, Vật lý neutrino trong phòng thí nghiệm... Về vật lý thiên văn và vũ trụ học, đề cập các nội dung: Tia vũ trụ - các thí nghiệm mặt đất và vệ tinh, Thiên văn học tia gamma, Vật chất tối và năng lượng tối, Vũ trụ sơ sinh, Bức xạ nền vũ trụ...

Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Vũ trụ quốc gia tại Hà Nội với diện tích 9 ha, gồm nhiều khu chức năng như: Trung tâm Điều khiển công nghệ vũ trụ; Trung tâm Lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ... Vì vậy, nội dung cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX không phải là những gì quá xa lạ, viển vông đối với giới khoa học Việt Nam. Đây quả là cơ hội vàng để các nhà vật lý hạt, vật lý  thiên văn và vũ trụ học nước ta tiếp xúc với các nhà bác học bậc thầy và những đồng nghiệp tài giỏi trên thế giới.

Khoảng 180 nhà khoa học tham dự

Ngày 28-7, gần 100 nhà khoa học trên thế giới đã đến Việt Nam để tham dự cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX. GS Trần Thanh Vân, người chủ trì cuộc gặp gỡ, cùng vợ là GS Lê Kim Ngọc trực tiếp đón các nhà khoa học.

Theo GS Trần Thanh Vân, cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần IX có sự tham dự của khoảng 180 nhà khoa học đến từ 29 quốc gia. Tại Gặp gỡ Việt Nam lần này, sẽ khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học, phát triển giáo dục và nâng cao kiến thức khoa học ở
Việt Nam.
H.Ánh
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo