xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Núi Cấm bị tàn phá

Bài và ảnh: THỐT NỐT

Con người đã vơ vét, tàn phá tận gốc các sản vật từng tạo nên thiên đường núi Cấm

Nằm ở độ cao trên 716 m so với mực nước biển, núi Cấm (thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được nhiều người biết đến như một Đà Lạt thứ hai hay còn gọi là "nóc nhà của ĐBSCL". Khí hậu nơi đây trong lành với nhiều loại cây gắn liền với tên đất, tên làng khá nổi tiếng như vồ Thiên Tuế (ấp Thiên Tuế), vồ Rau Tần (ấp Rau Tần), đồi mai, động Thủy Liêm…
 
img
 Động Thủy Liêm bị biến dạng từng ngày do các hoạt động của con người như chặn dòng chảy, xây nhà lấn chiếm

Rừng mai tàn lụi

Núi Cấm có đến hàng chục địa danh khác nhau đã đi vào tiềm thức của người dân khắp cả nước. Trong đó, đồi mai từng là nơi để người dân địa phương kiếm sống mỗi độ xuân về.

Ông Trần Văn Phương, một sơn dân ở đây, cho biết những năm 1990 trở về trước, khu vực này có rất nhiều mai cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhiều cây to có đường kính lên đến 0,5 m. Khi mùa xuân về, cả vùng đồi thêm rực rỡ bởi sắc mai vàng. Thông thường, vào những ngày cận Tết Nguyên đán, phần lớn dân nghèo từ trên núi cũng như dưới núi đến đây chiết nhánh mai đưa ra chợ bán hoặc chọn những nhánh mai có hoa trổ dày mang về nhà chưng.

Bây giờ, cảnh vật thơ mộng đó đã hoàn toàn thay đổi. Dù có lùng sục cả ngày trên ngọn núi này cũng khó tìm được một cây mai rừng nhỏ. Đây là hậu quả của việc khai thác theo kiểu tận diệt của một số người dân trong và ngoài địa phương, phục vụ thú chơi cây cảnh của các đại gia.

Vồ Thiên Tuế biến mất

Vồ Thiên Tuế là một trong 5 vồ đá nổi tiếng trong hệ thống núi Cấm. Nơi đây một thời được xem là lãnh địa bất khả xâm phạm của rừng cây thiên tuế, có nhiều loài thú rừng quý hiếm và rắn độc trú ngụ. Những địa danh gắn liền với câu chuyện rùng rợn như hang Bạch Hổ, hang Thanh xà - Bạch xà cũng xuất hiện ở vùng đất thiêng này.

Đáng tiếc, thiên tuế bây giờ chỉ còn cái tên. Dẫn chúng tôi đến vồ Thiên Tuế, ông Trần Văn Phương cho biết có nhiều nguyên nhân khiến rừng thiên tuế tiêu tan. Trong đó chủ yếu do người chơi cây cảnh đồn đại rằng nếu ai sở hữu cây thiên tuế núi Cấm sẽ được tài, lộc dồi dào…
 
Ban đầu, người ta chỉ chọn những cây có hình thù kỳ quái với những thế "độc" như rồng, rắn uốn lượn hay nghiêng về một hướng theo kiểu thác đổ… để mang về làm kiểng. Về sau, khi không còn cây to, đẹp, người ta khai thác luôn cả những cây con. "Những cây còn sót lại đến thời điểm này là nhờ nó nằm vắt vẻo trên vách đá thẳng đứng, chứ dễ đào thì đã hết sạch rồi" - ông Phương nói.

Đạo sĩ Nguyễn Văn Y (tự Ba Lưới, nay đã 100 tuổi) cho biết thiên tuế là loài cây có giá trị về mặt y học, trong đó rễ và lá của nó có công dụng chữa bệnh lao phổi, thở khò khè và các bệnh về khớp... "Hồi trước, cây thiên tuế còn là đại ân nhân cứu đói cho người dân cố cựu ở đây khi mùa mưa kéo dài hoặc liên tục bị mất mùa. Người ta đào lấy củ của nó để chế biến làm thức ăn thay cho gạo. Vì vậy, với những người có tuổi như tụi tôi ở đây, sự biến mất của cây thiên tuế là một mất mát không gì bù đắp được " - ông Ba Lưới tiếc nuối.

Xót xa động Thủy Liêm

Ông N.V.K, một người ở ấp Thiên Tuế, tỏ ra bức xúc khi chứng kiến trên đỉnh núi Cấm ngày càng xuất hiện nhiều hang động do bàn tay con người làm nên để "câu khách" đến tham quan, cúng bái. Trong đó, nổi đình nổi đám nhất là hang Ông Hổ và hang Bác Vật Lang ở ấp Vồ Đầu. Cũng tại đây, người ta còn dựng lên một kiểu kiến trúc khác lạ và mất vẻ tự nhiên của động Thủy Liêm.

Ông K. chua chát nói: "Hồi trước, khi họ chưa đắp đập ngăn nước ở đầu nguồn thì động Thủy Liêm đẹp như trong phim Tây du ký. Đã vậy mà gần đây có người còn xây nhà không ra nhà, chùa không ra chùa rồi treo bảng "Thủy Liêm động" thì thật là quá quắt. Tôi cũng không hiểu sao cái Thủy Liêm động này được cấp phép cho xây dựng để hang động mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nó".
 
Kiểm lâm bất lực

Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết theo khảo sát từ năm 2005, toàn khu vực núi Cấm có khoảng 815 loài thực vật.

Những loại cây đặc hữu như thiên tuế, mai rừng... thuộc nhóm cây bụi và không nằm trong hợp đồng bảo vệ rừng cho người dân nên rất khó quản lý. Chính vì vậy mà trong thời gian dài, người dân tự ý chặt phá hoặc khai thác làm kiểng khá phổ biến.
 
“Nếu muốn phục hồi các loài thực vật đặc hữu cũng rất khó vì đụng đến quy hoạch. Kể cả khi người ta đắp đập trữ nước suối Thanh Long làm cho rừng ở khu vực đầu nguồn bị biến dạng thì ngành kiểm lâm chúng tôi cũng đành bất lực đứng nhìn” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, một khu rừng đúng nghĩa của nó phải bao gồm nhiều tầng tán như các loại cây, dây leo, cây bụi, thảm mục, thảm tươi... Trong rừng cũng phải có các loại thú, bò sát, đặc biệt là vi sinh vật làm nhiệm vụ phân hủy thân, lá cây. Trong khi đó, phần lớn rừng ở núi Cấm hiện chỉ nghe được tiếng chim hót với những vạt rừng mới trồng đơn điệu.

Không chỉ riêng về cây thiên tuế, mai rừng mà nhiều loại cây dược liệu quý của núi Cấm cũng đang dần biến mất. Đây là nỗi xót xa mà ngành kiểm lâm đã thấy từ lâu nhưng không thể làm gì hơn. Với đà này, trong tương lai không xa, nhiều loại cây quý hiếm khác như sa nhân, giáng hương... cũng chung số phận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo