Sau 3 năm bị giam giữ để điều tra, binh nhì Bradley Manning, 25 tuổi, bị tòa án binh Washington tuyên án lúc 13 giờ địa phương (24 giờ Việt Nam) ngày 30-7 trong vụ tiết lộ thông tin mật lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Trước đây, anh ta đã nhận 10 tội nhẹ hơn trong số 22 cáo buộc, đủ để lãnh bản án 20 năm tù.
Giúp đỡ kẻ thù?
Manning là người thổi còi hay kẻ phản bội đất nước, đó là đề tài đã được tranh luận sôi nổi. Binh nhì này thừa nhận đã tuồn các tài liệu mật cho website WikiLeaks nhưng phủ nhận lời buộc tội nghiêm trọng nhất: "Giúp đỡ kẻ thù".
Tại tòa, Manning lý giải vì sao lại tiết lộ thông tin mật. Manning nói những thông tin đó làm anh ta lo lắng và khó chịu. Theo suy nghĩ của Manning, các tài liệu này đã cũ và những gì chúng đề cập đã thay đổi hoặc đã kết thúc. Anh ta nói: "Tôi tin chắc rằng nếu công chúng biết về các dữ liệu đó, họ sẽ bắt đầu tranh luận công khai về các cuộc chiến tranh". Ngoài ra, Manning thú nhận đã bị trầm uất trước tình hình ở Iraq, nơi anh ta làm nhiệm vụ phân tích thông tin tình báo.
Thoạt đầu, Manning cố cung cấp thông tin mật cho báo The Washington Post nhưng không thành công. Sau đó, anh ta gửi mail cho báo The New York Times nhưng không nhận được phản hồi. WikiLeaks là lựa chọn cuối cùng.
Snowden giống Manning
Trước khi tòa tuyên án Manning, chính phủ Mỹ đã thúc ép các thẩm phán đưa ra hình phạt tối đa đối với vụ vi phạm an ninh quốc gia nghiêm trọng này. Thiếu tá công tố viên Ashden Fein luận tội Manning thu thập hàng trăm ngàn tài liệu mật một cách có hệ thống để cung cấp cho WikiLeaks. Thêm vào đó, cơ quan công tố cho rằng sau khi được huấn luyện làm nhân viên phân tích thông tin tình báo, lẽ ra Manning phải biết các tài liệu mật đó có giá trị đối với Al-Qaeda. Do vậy, việc tiết lộ của Manning đã làm tổn hại an ninh quốc gia Mỹ và gây nguy hiểm đến tính mạng của người Mỹ cũng như các nguồn tin tình báo và ngoại giao nước ngoài.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa David Coombs phản biện rằng anh lính trẻ là một "người thổi còi" có ý định tốt, anh ta không hề có ý định xấu xa nào khi tiết lộ thông tin mật. Luật sư cũng cho biết Manning - vốn ngây thơ - đã vỡ mộng sau khi được điều đến Iraq năm 2009.
Tiếp xúc với đài CNN, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange tuyên bố: "Bradley Manning là anh hùng". Đồng thời, ông ta miêu tả vụ án Manning, đặc biệt là lời buộc tội "giúp đỡ kẻ thù", đã tấn công nghiêm trọng vào báo chí điều tra. Assange nhận định: "Rồi đây sẽ không còn các nhà báo viết về an ninh quốc gia ở Mỹ".
Trong khi đó, theo hãng tin RIA Novosti, ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga, phỏng đoán bản án đối với Manning cũng sẽ là kết cục pháp lý dành cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden nếu anh ta trở về Mỹ.
Bình luận (0)