Hội thảo “Vấn đề trợ giá xe buýt - Tồn tại và các giải pháp định hướng” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tổ chức ngày 31-7 đã mổ xẻ vấn đề trên.
Chỉ đảm đương 7% nhu cầu đi lại
Nhìn vào bảng thống kê do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP cung cấp, nhiều đại biểu cho rằng hiệu quả của hoạt động xe buýt chưa tương xứng với số tiền ngân sách TP đã bỏ ra. Tính đến năm 2012, số tiền trợ giá đã tăng gấp đôi năm 2008, từ 669,6 tỉ đồng lên 1.409 tỉ đồng. Dự kiến năm 2013, con số này vọt lên gần 1.500 tỉ đồng trong khi sản lượng hành khách lại tăng quá khiêm tốn, từ năm 2008 đến 2012 vẫn chỉ đạt 305 triệu lượt hành khách, chưa kể những năm giữa lại sụt giảm. Tính đến nay, xe buýt chỉ đảm đương 7% nhu cầu đi lại của người dân.
Năm 2013, tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt ở TP HCM khoảng 1.500 tỉ đồng Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng tiền trợ giá tăng vọt mỗi năm chủ yếu do lương cơ bản và nhiên liệu tăng vì 2 yếu tố này chiếm hơn 70% chi phí trong tiền trợ giá. Cụ thể, từ năm 2008 đến 2012, Chính phủ có 5 lần điều chỉnh lương tối thiểu và giá nhiên liệu thời điểm 1-1-2008 chỉ 10.500 đồng/lít dầu, đến tháng 6-2013 là 21.850 đồng/lít. Do đó, chi phí hoạt động cho 1 km xe buýt tăng bình quân 18%/năm và đến năm 2012 tăng gần gấp 2 so với năm 2008. Còn sản lượng xe buýt tăng chưa tương xứng có nhiều nguyên nhân, như xe buýt và hạ tầng xuống cấp, thời gian đi hết hành trình còn dài…
“Một trong những cách để giảm tiền trợ giá là tăng doanh thu. Muốn vậy, phải đầu tư phát triển xe buýt như phân làn ưu tiên, quảng cáo bên ngoài xe buýt, sắp xếp lại luồng tuyến, trong đó biện pháp quan trọng nhất là hạn chế xe máy nhưng để thực hiện không phải một sớm một chiều, do đó thời gian tới TP vẫn phải trợ giá cho xe buýt” - ông Thanh nói.
Như trẻ suy dinh dưỡng!
Thừa nhận hiệu quả hoạt động của xe buýt mang lại chưa cao nhưng vẫn cần trợ giá để ổn định việc phát triển kinh tế - xã hội, ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM, ví von: “Xe buýt như đứa trẻ vị thành niên bị suy dinh dưỡng, nếu bắt đứa trẻ ấy phải gồng gánh trách nhiệm quá nặng (tức đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách ngày một tăng) mà không có cách bồi bổ thì khó đạt được. Do đó, xe buýt phải được trợ cấp chứ không phải trợ giá”.
Năm 2013, tiền trợ giá cho xe buýt ở TP HCM gần 1.500 tỉ đồng nhưng lượng khách đi xe buýt rất khiêm tốn Ảnh: TẤN THẠNH
Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương cho rằng: “Trợ giá xe buýt giống như thực phẩm chức năng giúp xe buýt có thêm sức đề kháng để đảm đương nhiệm vụ (do bù tiền giá vé cho hành khách đi xe buýt), do đó TP cần tiếp tục trợ giá. Mức trợ giá 1.400 tỉ đồng mỗi năm, tôi nghĩ vẫn xứng đáng bởi nếu không có xe buýt thì xã hội sẽ tổn hại nhiều hơn”.
Phải thay đổi cách trợ giá
Tuy nhiên, để giảm gánh nặng và tăng hiệu quả của việc trợ giá từ tiền ngân sách cho hoạt động xe buýt, nhiều đại biểu cho rằng nên thay đổi hình thức trợ giá từ trực tiếp sang gián tiếp.
Theo đại biểu HĐND TP Lâm Thiếu Quân, TP nên sớm cho thực hiện quảng cáo bên ngoài thành xe buýt; nâng tầm quản lý của Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng thuộc Sở GTVT, như giao cho họ quản lý, khai thác, thu phí các bãi xe… hoặc TP hỗ trợ đầu tư những loại hình kinh doanh cho các doanh nghiệp xe buýt thay vì phải trợ giá trực tiếp cho hành khách. Bên cạnh đó, Sở GTVT phải mạnh dạn cắt giảm những tuyến xe ít khách, hoạt động không hiệu quả, không trợ giá cho loại xe dưới 20 chỗ.
Còn ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý Vận tải Đường bộ - Sở GTVT, cho rằng để tạo nguồn thu, trước mắt TP nên giao Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng xây dựng và khai thác Bến xe Chợ Lớn hoặc các bến bãi do đơn vị này quản lý; cấp đất cho các doanh nghiệp, HTX xe buýt vừa làm bãi đỗ xe vừa có điều kiện rút ngắn khoản huy động phí khá cao hiện nay (chiếm 12%-20% chi phí giá thành) vừa tạo tiền đề cho việc tổ chức khai thác thêm các nguồn thu khác.
Bên cạnh việc chuyển đổi hình thức trợ giá, về lâu dài, theo ông Dương Hồng Thanh, Sở GTVT sẽ dần cải thiện hình ảnh xe buýt bằng việc thay thế 1.680 xe buýt mới, sử dụng thẻ thông minh, điều chỉnh luồng tuyến, không trợ giá xe buýt dưới 20 chỗ…
Bị áp lực vì khoán doanh thu cao
Tại cuộc họp chiều 31-7 giữa Sở GTVT và các đơn vị vận tải xe buýt, đại diện nhiều đơn vị vận tải lớn như Công ty Xe khách Sài Gòn, Liên hiệp HTX Vận tải TP... cho rằng “đang chịu áp lực vì bị Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng khoán doanh thu cao”.
Theo các đơn vị này, không chỉ khoán doanh thu cao hơn thực tế mà họ còn bị phạt nặng nếu không đạt mức khoán. Vừa qua, đã xảy ra tình trạng một số đơn vị HTX nhỏ lẻ, do chủ xe không hiểu hết bản chất của việc trợ giá đã yêu cầu tài xế xé vé khống nhằm hưởng tiền trợ giá, điều này không chỉ “giết chết” HTX mà còn làm xấu hình ảnh xe buýt.
Thừa nhận ý kiến này, đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng cho biết sắp tới sẽ giảm mức phạt và xem lại mức khoán cho hợp lý. |
Bình luận (0)