Thực ra nói là nhân tài thì cũng hơi quá vì tài năng của họ cũng chưa thể hiện được gì nhiều, thời gian phục vụ người dân cũng rất ngắn, nay đã toan tính thêm cho cá nhân thì hẹp hòi quá. Bao nhiêu năm qua địa phương đã lo cho họ ăn học đàng hoàng thì khi ra trường họ phục vụ địa phương theo cam kết là điều tất yếu chứ không thể viện lý do này nọ mà né tránh trách nhiệm.
Bạn đọc Ngộ Không nói thẳng: Ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân bỏ ra nuôi mấy "nhân tài" này đi du học để về phục vụ địa phương, nay họ quay lưng bỏ ngang, người thì lấy chồng ngoại, người đi du học tiếp, làm đảo lộn mọi kế hoạch nhân sự của địa phương thì ai mà chịu được. Cứ căn cứ theo pháp luật, theo hợp đồng lao động đã thỏa thuận mà xét. Nếu chiều theo cách hành xử này thì còn ai tôn trọng những chương trình đào tạo của chính quyền Đà Nẵng nữa?
Trước việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng khởi kiện các “nhân tài” trên, bạn đọc Thanh Tư cho rằng: “Tôi rất đồng ý với cách xử lý của TP Đà Nẵng. Đã ký thỏa thuận thì phải thực hiện. Không thể sau khi được thành phố tạo điều kiện ăn học thành tài lại tìm cách để trốn tránh trách nhiệm. Những người được đề án này tài trợ mà không tiếp tục làm việc lại không bồi hoàn như hợp đồng là rất vô lý. Nếu TP Đà Nẵng không giải quyết triệt để những trường hợp trên thì Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng sẽ bị phá vỡ".
Cùng quan điểm, nhiều bạn đọc nhìn nhận: Là trí thức thì phải hành xử chuẩn mực, phân định rạch ròi ơn nghĩa, trách nhiệm. Giúp một người nghèo khó một bữa ăn họ còn mang ơn thì nói gì đến việc tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn bằng tiền tỉ. Hãy hành xử cho hợp với truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt.
Hành xử có trước, có sau
Bạn đọc Trần Thạch gay gắt: “Nếu để cho những người đi học bằng ngân sách muốn làm gì thì làm, hóa ra tiền của dân nghèo vứt qua cửa sổ hay sao? Đất nước còn khó khăn, chắt chiu từng đồng vậy mà họ sử dụng rồi không bù đắp thì khó coi quá. Nếu những người trên tự tìm học bổng thì không có gì phải bàn. Hãy nhìn người dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chưa đủ ăn mà vẫn đóng thuế và tiền thuế đó đã góp phần tài trợ cho họ học tập thì sẽ thấy cách hành xử không tốt của những “nhân tài” trên”.
Không ít ý kiến bạn đọc đề nghị xem lại động cơ nghỉ việc của những “nhân tài” trên. Nếu họ nghỉ việc vì lý cá nhân thì họ phải bồi thường là đúng. Nhưng nều vì môi trường làm việc không tốt, khả năng của họ không được sử dụng, thu nhập của họ không tương xứng… thì phải xem lại toàn bộ chương trình đào tạo nguồn nhân lực này.
Tìm hiểu nguồn gốc của sự việc
Bạn đọc Thái Thị Hằng, phân tích, tại nhiều địa phương trước giờ có không ít tình trạng sau khi được đài thọ học tập thì người học phải bỏ dở công việc vì không được sử dụng đúng mục đích và khả năng làm việc. Học xong thạc sĩ ở nước ngoài về mà cứ ngồi bàn giấy làm việc kiểu hành chánh, ý tưởng không được sử dụng, rồi cấp trên đố kị, sự thăng tiến trong công việc không có thì không ai phục vụ nổi cho địa phương cả. Vấn đề là phải tìm nguồn gốc của việc tại sao không gắn bó được những người có khả năng này. |
Bình luận (0)