Hiệp ước giám sát có từ cuối những năm 1960, cho phép Mỹ, Anh và Pháp có quyền đề nghị nhà chức trách Đức tiến hành các hoạt động do thám để bảo vệ quân đội của họ đóng tại nước này. “Việc hủy bỏ hiệp ước là cần thiết và đúng đắn sau những tranh luận gần đây về vấn đề bảo vệ quyền cá nhân” - Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết trong thông báo hôm 2-8. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Đức giấu tên cho biết quyết định trên không hề ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác tình báo giữa hai bên. Không những thế, vị quan chức này còn tiết lộ hiện Đức cũng đang thảo luận với Pháp để chấm dứt hiệp ước tương tự.
Chuyên gia Henning Riecke của Hội đồng Đức về quan hệ đối ngoại cho rằng chính phủ Đức cần phải hành động để chứng minh đây là vấn đề nghiêm trọng. “Với mối quan hệ tốt đẹp giữa các cơ quan tình báo hai nước, dù thế nào đi nữa Washington cũng nhận được các thông tin cần thiết” - ông Henning Riecke nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cũng xác nhận trước báo giới thỏa thuận nêu trên không còn hiệu lực từ năm 1990 tại Anh.
Sau khi Snowden tiết lộ quy mô chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng như phanh phui việc Đức là nước bị Mỹ do thám nhiều nhất trong Liên hiệp châu Âu (EU), đã xuất hiện một cuộc tranh luận gay gắt khắp nước Đức rằng liệu có nên cho phép xâm phạm quyền riêng tư của công dân Đức hay không. Tài liệu do Snowden tiết lộ cho biết cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén nửa tỉ cuộc điện thoại, đọc email và tin nhắn của người Đức mỗi tháng.
Trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 9 tại Đức, đảng đối lập ở nước này yêu cầu làm rõ chính phủ biết NSA thu thập tin tình báo ở Đức tới mức nào. Sự việc diễn ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng NSA và Cơ quan Tình báo nước ngoài (BND) của Đức có quan hệ mật thiết nhiều năm. Quan chức chính phủ Đức khẳng định cơ quan tình báo Mỹ và Anh không bao giờ được phép xâm phạm quyền riêng tư vốn được bảo vệ nghiêm ngặt ở Đức.
Về số phận của cựu nhân viên CIA E. Snowden, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Washington “vô cùng thất vọng” khi chính phủ Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Snowden hôm 1-8, bất chấp yêu cầu trục xuất anh này của Mỹ. Trong khi đó, luật sư của Snowden, ông Anatoly Kucherena, phát biểu rằng “người thổi còi” đã “tìm ra nơi anh ta sẽ sống” nhưng không tiết lộ địa điểm cư trú do lo ngại cho sự an toàn tính mạng của Snowden. Hãng tin Reuters nhận xét dường như Snowden tỏ ra yên tâm trước sự chào đón nồng nhiệt ở Nga, song anh sẽ không thể làm chủ số phận và cuộc sống lưu vong ở Moscow chắc hẳn có nhiều khó khăn.
Bình luận (0)