Hiện nay, các sân khấu rất cân nhắc việc dàn dựng kịch bản mới hoặc tái dựng những kịch bản cũ. Họ xem trọng việc cung cấp món ăn hợp khẩu vị người xem. Nhưng theo đạo diễn Ái Như: “Mới hay cũ không quan trọng bằng việc lưu giữ cái đẹp của thời đại thông qua tác phẩm sân khấu”.
Khai thác kho tàng vô giá
Sân khấu cải lương đã có một thời hoàng kim khi tạo dấu ấn đậm nét với hàng trăm tác phẩm hay đã từng được 22 đoàn nghệ thuật dàn dựng. Đó là những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao, là những tác phẩm chuẩn mực ca ngợi lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc với sự sáng tạo của một thế hệ “nghệ sĩ vàng”. Đạo diễn Phượng Hoàng đang thực hiện hàng loạt chân dung ký sự của thế hệ nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm, vai diễn ấn tượng trên sân khấu, trong đó chân dung được chọn đầu tiên là NSƯT Thanh Sang với vai Thi Sách trong tác phẩm Tiếng trống Mê Linh. Tính đến thời điểm hiện nay, có rất nhiều bản dựng từ kịch bản của tác giả Việt Dung, Vĩnh Điền nhưng công chúng cả nước mến mộ nhất phải kể đến bản dựng của cố đạo diễn Ngô Y Linh trên sân khấu Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga vào năm 1976.
Mỗi khi nhắc đến tác phẩm sân khấu Tiếng trống Mê Linh, các nhà chuyên môn đều có chung nhận định từ vở tuồng lịch sử này đã hình thành một thế hệ nữ nghệ sĩ thể hiện xuất sắc 2 nhân vật trung tâm: Trưng Trắc, Trưng Nhị, như cố NSƯT Thanh Nga, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, NSND Lệ Thủy, nghệ sĩ Phượng Liên, NSƯT Mỹ Châu… Và sau này, mỗi khi cuộc thi tuyển chọn diễn viên HCV triển vọng Trần Hữu Trang diễn ra, 2 vai diễn này vẫn được các diễn viên trẻ chọn để tranh tài qua các vòng thi.
Nhiều tuyệt phẩm sân khấu khác mà nếu tái dựng vẫn thu hút khán giả cải lương như: Thái hậu Dương Vân Nga, Bức ngôn đồ Đại Việt, Dưới cờ Tây Sơn, Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án... Những tác phẩm này đã từng tạo cảm xúc thăng hoa cho nghệ sĩ và khán giả, truyền tải đến người xem lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. NSND Ngọc Giàu nói: “Đó là một kho tàng vô giá cần được khai thác để thế hệ trẻ hôm nay có cơ hội tiếp cận những giá trị nghệ thuật trong một tác phẩm sân khấu chuẩn mực, qua đó góp phần giáo dục nhân cách sống và hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi người”.
Có trách nhiệm với tác phẩm đỉnh cao
NSƯT Bảo Quốc đang cần mẫn chuyển thể sang kịch nói tác phẩm cải lương Nghiệp giáo mà soạn giả Quy Sắc đã sáng tác cách đây 50 năm. Theo ông, vở cải lương này chuyển thể sang kịch sẽ hấp dẫn khán giả trẻ khi đề cập một vấn đề vẫn còn tính thời sự: “Cha làm thầy, con đốt sách” và trách nhiệm của những người làm cha mẹ không là tấm gương sáng cho con. Ông nói: “Thời đại thông tin mạng bùng nổ như hiện nay thì nghiệp giáo của mỗi gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Làm mới những tác phẩm đỉnh cao cũng chính là trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống”.
Nhóm nghệ sĩ Kiều Oanh - NSƯT Hoàng Nhất cũng đang hình thành tổ chế tác biên tập những kịch bản cải lương vang bóng một thời: Tiếng hạc trong trăng, Gánh cỏ sông Hàn, Nhụy Kiều tướng quân… để công diễn tại rạp Công Nhân. NSƯT Hoàng Nhất nói: “Chúng tôi muốn thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ khi chung tay tái dựng những tác phẩm đỉnh cao. Trước nhất là công diễn phục vụ khán giả, sau đó quay hình để lưu giữ những tác phẩm nổi tiếng một thời”.
Bền bỉ với công việc tái dựng những tuyệt phẩm của sân khấu trong nhiều năm qua và được sự ủng hộ của nhiều thế hệ nghệ sĩ phải kể đến chương trình Những tác phẩm vang bóng của Truyền hình cáp Đài Truyền hình TP HCM (HTVC), phát sóng trên kênh Thuần Việt định kỳ mỗi tháng một vở tuồng nổi tiếng. Tính đến nay, khán giả yêu thích cải lương qua màn ảnh nhỏ đã được xem nhiều tác phẩm hay qua kênh truyền hình này, như: Chất ngọc không tan, Bóng tối và ánh sáng, Má hồng soi kiếm bạc, Vụ án trộm trứng gà… Chương trình Phim truyện cải lương truyền hình của HTV cũng đã tái dựng nhiều kịch bản vang danh một thời, nổi bật nhất là 2 vở được dàn dựng quy mô, hoành tráng: Thái hậu Dương Vân Nga và Bão táp Nguyên phong. Hiện nay, HTV đang dàn dựng vở cải lương truyền hình Gánh cỏ sông Hàn của tác giả Thu An, ca ngợi khí tiết của nghĩa quân dưới thời Lê Lợi đã anh dũng chống giặc Minh xâm lược.
GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, nói: “Hiện nay, với chủ trương xây dựng những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, giải pháp cần thiết là tái dựng những tác phẩm từ kịch bản đã một thời tạo cảm xúc mãnh liệt cho người xem, từ đó kích thích sáng tạo trong đội ngũ tác giả, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên để hướng đến những tác phẩm đỉnh cao. Làm tốt việc tái dựng tác phẩm vang bóng một thời sẽ khơi gợi những sáng tác mang tính chuẩn mực trên sàn diễn hôm nay”.
Thăng hoa sáng tạo Đến nay, NSND Bạch Tuyết vẫn còn nhớ như in không khí sáng tạo suốt nhiều tháng liền trên sàn tập tác phẩm Thái hậu Dương Vân Nga. Bà kể: “Đạo diễn Lưu Chi Lăng và soạn giả Hoa Phượng đã gây xôn xao dư luận bởi cách nghĩ, cách làm của họ cho sân khấu cải lương năm 1979. Vở Thái hậu Dương Vân Nga mang tính thẩm mỹ cao và tạo nguồn cảm hứng nghệ thuật cho người làm nghề và công chúng từ Nam chí Bắc. Nguồn cảm hứng vừa hào hùng vừa thương cảm vào thời điểm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc. Tác phẩm đã mang về vinh quang nghệ thuật lẫn doanh thu khi chạm đúng lòng yêu nước của công chúng. Vở đã được lãnh đạo các cấp, dư luận báo chí cho đến đồng bào cả nước đánh giá là một tác phẩm đỉnh cao. NSND Ngọc Giàu cho biết: “Vở tuồng Thái hậu Dương Vân Nga được trình diễn liên tục thời gian dài ở Việt Nam và cả trên các sân khấu của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Công chúng yêu mến tác phẩm này vì bản dựng luôn hội tụ những tinh hoa về thủ pháp dàn dựng. Thời đó, các soạn giả giỏi được tập hợp lại và mỗi ông chịu trách nhiệm sáng tác một cảnh. Tổng đạo diễn Lưu Chi Lăng xâu chuỗi lại và tạo nên một cuộc bứt phá mới của cải lương lịch sử mang dấu ấn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Tôi thích nhất phần sáng tác âm nhạc của GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần và phần thiết kế sân khấu của NSND - họa sĩ Lương Đống”. |
Bình luận (0)