Hội nghị tin tặc thế giới DefCon (còn được viết là DEF CON hoặc DEFCON) thường niên lần thứ 21 được tổ chức từ ngày 1 đến 4-8 ở Las Vegas, bang Nevada - Mỹ. Theo website Vesti.ru, lần đầu tiên trong lịch sử 21 năm của hội nghị, các nhà tổ chức không mời đại diện chính phủ Mỹ.
Không thoải mái
Các nhà tổ chức nhấn mạnh những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden gần đây khiến một số người thuộc cộng đồng tin tặc toàn cầu không cảm thấy thoải mái trước sự hiện diện của chính phủ Mỹ. Trong thông báo đăng tải trên website của hội nghị, ông Jeff Moss - nhà sáng lập hội nghị và là cố vấn an ninh mạng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ - nhấn mạnh: “Điều tốt nhất đối với mọi người là chính phủ liên bang Mỹ không tham dự hội nghị DefCon năm nay”.
Trước đây, đại diện chính quyền Mỹ vẫn thường xuyên có mặt tại hội nghị này. Ở đó, họ chiêu mộ các nhân viên mới cũng như bắt giữ các tội phạm máy tính. Tại hội nghị DefCon năm 2011, Mỹ bắt được một tin tặc Nga là tác giả của chương trình thâm nhập trái phép sách điện tử.
Hãng tin Reuters cho biết ông Moss - vốn được biết đến với biệt danh “Tiếp tuyến đen” trong giới tin tặc - tin rằng cộng đồng DefCon cần thời gian để giải mã những tiết lộ về các chương trình giám sát của Mỹ. Ông khẳng định: “Cộng đồng tin tặc vẫn đang “tiêu hóa” những điều mà chính phủ liên bang cần cả một thập kỷ để nhận thức và chấp nhận nó. Một chút ít thời gian và khoảng cách có thể là điều tốt, đặc biệt là khi cảm xúc đang dâng cao”. Ngoài ra, ông cho rằng động thái trên nhằm làm lắng dịu căng thẳng.
Kỷ lục chưa từng có
Người phát ngôn của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) không bình luận gì về việc cơ quan này bị loại khỏi hội nghị tin tặc năm nay. DefCon là một trong những hội nghị tin tặc thường niên lớn nhất thế giới, được tổ chức ở Las Vegas. Hội nghị DefCon đầu tiên diễn ra vào tháng 6-1993. Năm nay, có đến 15.000 đại biểu tham dự hội nghị, một kỷ lục chưa từng có, gồm các tin tặc, nhà nghiên cứu, chuyên gia an ninh, luật sư về bảo mật…
Tại hội nghị DefCon 2013, các nhóm tin tặc bàn luận những thông tin mới nhất về công nghệ và kỹ thuật xâm nhập máy tính. Tuy nhiên, theo những người tham dự hội nghị, năm nay người ta thảo luận nhiều hơn cả về các hoạt động của chính phủ Mỹ, cụ thể là bàn về chương trình theo dõi điện tử PRISM mà các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng để nghe lén các cuộc tiếp xúc của người dân khắp thế giới và đọc các trao đổi của họ trên internet.
Năm ngoái, tướng 4 sao Keith Alexander, Giám đốc NSA, là diễn giả chính tại hội nghị DefCon. Ông Alexander đã phủ nhận việc NSA có trong tay hồ sơ của hàng triệu người Mỹ như một số cựu nhân viên của cơ quan này hoài nghi từ trước khi xảy ra vụ Snowden.
Người dân Mỹ lại phản đối Hãng tin Itar-Tass đưa tin hàng trăm người dân Mỹ ngày 4-8 đã đổ ra đường phản đối các chương trình theo dõi điện tử quy mô lớn của các cơ quan tình báo nước này. Các cuộc biểu tình diễn ra ở hơn 20 thành phố lớn - trong đó có New York, Los Angeles, San Francisco, Washington - với khẩu hiệu “Hãy khôi phục điều số 4”. Đó là điều sửa đổi bổ sung hiến pháp Mỹ, cấm lục soát, theo dõi hồ sơ và tài sản cá nhân của người dân Mỹ một cách vô căn cứ. Ở New York, gần 400 người tham gia biểu tình gần văn phòng Công ty Truyền thông AT&T, đơn vị đã giúp chính quyền Mỹ thực hiện chương trình theo dõi. Một người biểu tình bức xúc: “Hành động theo dõi của NSA đã đi quá xa, cần phải chặn đứng cơ quan này lại càng sớm càng tốt”. |
Bình luận (0)