Trong thư gửi các nhà lãnh đạo quốc hội Philippines, 2 vị bộ trưởng khẳng định việc cho phép binh sĩ Mỹ gia tăng sự hiện diện ở Philippines sẽ giúp nước này xây dựng được một nền quốc phòng đáng tin cậy để canh phòng lãnh thổ trong khi đang cố gắng hiện đại hóa quân đội. Ở đây, sự hiện diện với quy mô lớn hơn của người Mỹ còn có nghĩa là Philippines sẽ nhận được nhiều nguồn tài chính và được huấn luyện nhiều hơn để ứng phó với các thảm họa thiên tai như bão táp và động đất.
Bộ trưởng Gazmin xác nhận số binh sĩ Mỹ bổ sung sẽ được sử dụng các căn cứ quân sự có sẵn ở Philippines theo những điều khoản mà Manila sẽ thỏa thuận với chính phủ Mỹ. Theo ông, hai bên cũng sẽ thương lượng về thời gian binh sĩ, máy bay, tàu chiến và các thiết bị quân sự khác được triển khai ở Philippines. Theo thỏa thuận hiện nay, hàng trăm binh sĩ chống khủng bố của Mỹ đã được phép đóng quân tại khu vực bất ổn Mindanao từ năm 2002 để huấn luyện binh sĩ Philippines chiến đấu với các phần tử nổi dậy Abu Sayyaf có liên quan đến Al-Qaeda.
Lâu nay, Philippines vẫn kêu gọi Mỹ giúp hiện đại hóa các tàu chiến và máy bay chiến đấu lạc hậu của mình cũng như huấn luyện quân đội nước này giữa lúc đang xảy ra căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Thực ra, sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm ở Philippines. Hiến pháp Philippines cấm binh sĩ nước ngoài được bố trí thường trực ở nước này nhưng thượng viện nước này đã phê duyệt hiệp ước ký với Mỹ năm 1999, cho phép các lực lượng Mỹ được tạm thời đóng quân ở đây. Hai bộ trưởng Gazmin và del Rosario cam đoan bất kỳ thỏa ước mới nào ký với Washington đều phải phù hợp với Hiến pháp Philippines. Thêm vào đó, 2 bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự Philippines - Mỹ vốn đã tồn tại hàng thập kỷ; đồng thời quả quyết mối quan hệ này hữu ích không chỉ trong đường lối ngoại giao mà cả trong việc tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ của Philippines.
Mong muốn tăng cường khả năng phòng thủ và an ninh của Manila phù hợp với ý định chuyển sự can dự về quân sự ở Trung Đông sang châu Á của Washington. Châu Á cũng là nơi Mỹ vẫn đang củng cố các liên minh về kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với một số quốc gia, trong đó có Philippines, như một phần để tạo đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, trong chương trình tổ chức lại các lực lượng Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc còn điều động 2.500 lính thủy đánh bộ ở miền Bắc nước Úc và neo đậu các tàu chiến Mỹ ở Singapore.
Bình luận (0)