Khi tờ Guardian tung thông tin từ Edward Snowden về chương trình theo dõi PRISM của NSA, phản ứng đầu tiên từ phía dư luận là một làn sóng giận dữ và lo ngại. Chính phản ứng này sẽ dẫn đến sự mất lòng tin vào các công ty tham gia chương trình của NSA. Dù chỉ các hãng công nghệ dính líu tới chương trình này, bao gồm cả các công ty dịch vụ như Google và các công ty phần cứng như Apple nhưng vì tính chất của PRISM là tập trung thu thập thông tin người dùng nên hậu quả của nó càng nặng hơn với ngành dịch vụ mạng và điện toán đám mây.
Thiệt hại trước mắt của nền công nghệ Mỹ lên đến 21,5 -31 tỉ USD. |
Với những dịch vụ gần như không có đối thủ cạnh tranh như dịch vụ tìm kiếm của Google, người dùng không có nhiều lựa chọn để thay đổi. Đây cũng là cơ hội để các công ty nhỏ tìm cách len vào thị trường nhưng đáng buồn thay, các hãng này lại không đủ sức bảo vệ thông tin của người dùng. Cụ thể là ngày 9-8, Lavabit và Silent Circle đã tuyên bố đóng cửa dịch vụ email bảo mật tuyệt đối của họ vì lo sợ áp lực từ NSA.
Một ví dụ khác là khi Xbox One - máy chơi game giải trí hàng đầu của Microsoft - ra mắt với camera cảm ứng chuyển động Kinect độc đáo. Mối lo ngại camera này bị sử dụng cho mục đích do thám lại góp phần giúp Sony Playstation 4 - máy chơi game đến từ Nhật Bản - biến Xbox One thành một thảm họa marketing. Hậu quả, bỗng dưng Mỹ không còn là một “vùng đất thánh” cho ngành công nghệ dịch vụ mạng.
Chữa cháy
Thực trạng này khiến các hãng lớn “vắt giò lên cổ” tìm cách đối phó. Rõ ràng nhất là Google. Gã khổng lồ dịch vụ tìm kiếm này đã liên tục cố gắng tìm cách bảo vệ danh tiếng của mình. Cũng dễ hiểu vì Google chịu trách nhiệm không chỉ cho hàng loạt dịch vụ mạng mà còn với hệ điều hành di động cực kỳ phổ biến Android.
Điều tương tự cũng xảy ra với Apple và Microsoft. “Cần câu cơm” của họ là các hệ điều hành iOS và Windows đều trở thành nạn nhân của chiến dịch theo dõi của NSA.
Vấn đề được nhanh chóng đặt lên bàn của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hôm 9-8, sau một cuộc họp với lãnh đạo các hãng công nghệ hàng đầu tại Mỹ và Quốc hội, ông Obama tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc cải cách để giúp các chương trình giám sát an ninh của NSA và các cơ quan tình báo trở nên minh bạch hơn. Ông Obama nói: “Người dân Mỹ cũng phải có lòng tin vào những chương trình này và làm cho thế giới hiểu rằng chính phủ Mỹ chỉ sử dụng các chương trình đó với các đối tượng xấu”.
Liệu tuyên bố này có thể làm giảm nhẹ hậu quả của xì-căng-đan PRISM? Hãy chờ xem sao vì vụ việc này sẽ còn diễn tiến rất phức tạp. Ở một khía cạnh khác, ngành công nghệ mạng cũng đang tự tìm cách thay đổi để thích ứng với mối lo ngại bị mất thông tin riêng tư.
DuckDuckGo, một dịch vụ tìm kiếm không lưu trữ thông tin của người dùng, đang là giải pháp tốt nhất cho những ai muốn thay thế Google hoặc Bing. Các dịch vụ mạng mới nổi lên cũng phải ngay lập tức bị “xét duyệt” về tính bảo mật và trách nhiệm với thông tin khách hàng.
Cho đến nay, điều lạc quan nhất có thể rút ra từ xì-căng-đan PRISM là nó đã giúp nâng cao ý thức về bảo mật thông tin. Chúng ta càng dựa dẫm vào công nghệ mạng thì càng bị ràng buộc bởi chúng. Chính người dùng nên có trách nhiệm, hơn là phải dựa vào các công ty.
Bình luận (0)