Tổng thống Obama bắt đầu cuộc họp báo với việc thông báo điều ông mô tả là “4 bước cụ thể” được xây dựng để xác tín với dân chúng và cải thiện hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài. Các đề xuất bao gồm việc cam kết làm việc với Quốc hội để “tìm kiếm những thay đổi phù hợp” với Mục 215 của Đạo luật Ái quốc, cho phép thu thập dữ liệu điện thoại của hàng triệu công dân Mỹ.
Ông Obama cho rằng dư luận đặt vấn đề về do thám là đúng, đặc biệt khi “công nghệ đang tái hiện mọi lĩnh vực trong đời sống của chúng ta”. Vì vậy, Obama nói việc ông tin vào các chương trình do thám với tư cách tổng thống vẫn chưa đủ mà nhân dân Mỹ cũng hãy tin vào nó.
Nhưng vào lúc cựu nhân viên NSA Edward Snowden phơi bày hoạt động bí mật theo dõi của cơ quan này cả trong và ngoài nước Mỹ đến mức chưa từng có, vẫn không thấy dấu hiệu ông Obama muốn “giảm công suất” bộ máy do thám. Ông còn thừa nhận sự cần thiết phải minh bạch và cẩn trọng hơn để người dân cảm thấy “thoải mái” về chuyện do thám. Ông thông báo rằng một nhóm chuyên gia gồm các nhân vật độc lập sẽ được thành lập để “xem xét lại các kỹ thuật về tình báo và thông tin liên lạc”.
Để đương đầu với các mối đe dọa, ông Obama nói cần phải tạo sự cân bằng giữa bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì các quyền tự do của người dân Mỹ. Ông xác nhận giá trị của các chương trình do thám và tin rằng nó không bị lạm dụng.
Những người chỉ trích hoạt động do thám điện tử của NSA đã không bỏ lỡ cơ hội để “quay” ông Obama. Họ chỉ trích cách tiếp cận của tổng thống đối với một vấn đề hệ trọng như vậy là không đầy đủ. Anthony Romero, giám đốc điều hành Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), tranh biện về chương trình thu thập thông tin từ hàng triệu cuộc điện thoại trong nước và đề nghị phải khai tử nó. Ông mổ xẻ và lưu ý các chương trình theo dõi này đã đi quá xa so với những gì tổng thống hoặc quốc hội được phép. Ông Romero cho rằng những gì ông Obama đề cập là quá ít và quá trễ, không đủ để đo lường hết những lo lắng sâu xa về khả năng vi phạm pháp luật.
Jameel Jaffer, phó giám đốc ACLU, phân tích: “Các cơ quan tình báo nói bạn không thể chỉ ra những trường hợp cơ quan hữu trách lạm dụng hoạt động do thám. Nhưng sự thật, việc chính phủ đang thu thập số lượng lớn thông tin cá nhân tự nó đã là một hình thức lạm dụng”.
Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho ông Obama cũng không hề yếu. Một người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Đảng Cộng hòa bang Ohio, thúc giục ông Obama không để những lời phê phán như thế làm suy yếu năng lực căn bản của NSA. “Sự minh bạch là quan trọng nhưng chúng ta chờ đợi Nhà Trắng tuyên bố rằng không để bất cứ sự thay đổi nào gây phương hại đến tính nguyên vẹn của chương trình” - người phát ngôn Brendan Buck lập luận.
“Chúng ta cần có tư duy mới cho một thời kỳ mới” - ông chủ nhà Trắng nói, một cách nói khái quát khi ông muốn bảo vệ và tiếp tục các chương trình do thám trên diện rộng gây tranh cãi, cả trong và ngoài nước, cả đồng minh và cựu thù.
Bình luận (0)