Ông Obama thừa nhận Mỹ “có thể và phải minh bạch hơn” về các chương trình theo dõi điện thoại và mạng Internet. “Rút kinh nghiệm từ các vụ chính phủ lạm quyền trong lịch sử, tôi cho rằng việc đặt câu hỏi về các chương trình do thám, đặc biệt là khi công nghệ đang thay đổi mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta, là điều đúng đắn. Bản thân tôi tin vào các chương trình này, nhưng người dân Mỹ cũng cần được tạo niềm tin” – ông Obama nói.
Tổng thống Obama cam kết sẽ minh bạch hơn các chương trình do thám. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ 4 bước mà ông sẽ làm để trấn an người dân trong nước về các chương trình do thám:
- Làm việc với quốc hội để sửa đổi Đạo luật Yêu nước, vốn là cơ sở pháp lý cho việc thu thập thông tin qua điện thoại.
- Chỉ đạo ngành tư pháp giải mật các quy định pháp luật cho phép chính phủ theo dõi điện thoại.
- Chỉ định 1 luật sư giám sát hoạt động của chính phủ tại Tòa án Do thám tình báo nước ngoài.
- Thành lập một nhóm chuyên gia độc lập xem xét mọi công nghệ tình báo và thông tin của chính phủ Mỹ.
Khi được hỏi nhận xét về cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, ông Obama thẳng thừng: “Tôi không nghĩ ông Snowden là người yêu nước”.
Tổng thống Mỹ cũng nói ông trông chờ Tổng thống Nga Vladimir Putin "nghĩ về tương lai thay vì quá khứ" trong các mối quan hệ với Mỹ. Theo ông, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại quan hệ 2 nước và lên tiếng phản đối việc tẩy chay Olympic mùa đông Sochi 2014 ở Nga.
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Kerry khẳng định
giữa 2 nước không có chiến tranh lạnh. Ảnh: Russia Today
Trước cuộc họp báo của tổng thống, tại Washington ngày 9-8 cũng diễn ra cuộc gặp 2+2 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với 2 đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Sergei Shoigu.
Bất chấp một loạt bất đồng dẫn tới quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 tổng thống vào tháng 9 tới, Mỹ và Nga vẫn cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với nhau trong những vấn đề 2 bên cùng quan tâm như kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Không có Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ. Ngược lại, chúng tôi có quan hệ đối tác thân thiết và đầy triển vọng”.
Mỹ sắp mở lại các sứ quán
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 9-8 nói rằng Washington sẽ mở cửa lại tất cả đại sứ quán ở khu vực Trung Đông, trừ Yemen, vào ngày 11-8 sau khi đánh giá lại mối đe dọa do tổ chức khủng bố al-Qaeda tạo ra.
Nhân viên an ninh tại Yemen tăng cường giám sát. Ảnh: AP
19 đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ bị đóng cửa một tuần qua. Riêng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Lahore - Pakistan mới đóng cửa gần đây sẽ tiếp tục ngừng làm việc. |
Bình luận (0)