Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Hai phương án
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, mới có 126 trường hợp (80% là cá nhân và 20% của tổ chức) mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa… Theo lý giải của Bộ Xây dựng, hiện có nhiều đối tượng muốn sở hữu nhà ở Việt Nam nhưng lại không nằm trong 5 đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 19. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, chủ sở hữu nhà ở là các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Điều này khiến những người phải thay đổi nơi làm việc không thể cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng.
Việc quy định cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ trong 50 năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà tương ứng với thời gian ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến việc không khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam.
Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng quy định để nhiều đối tượng được sở hữu nhà. Theo đó, đối với tổ chức thì cho phép các quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài; các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ). Đối với cá nhân, cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trừ những người đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra 2 phương án về số lượng nhà ở được sở hữu. Phương án thứ nhất: Cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng tại Việt Nam; đối với tổ chức thì căn cứ vào số lượng người nước ngoài đang làm việc cho tổ chức đó mà cho phép sở hữu nhiều căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo nhu cầu. Phương án thứ hai: Cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà ở liền kề). Ngoài ra, có thể cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở không quá 70 năm và không được gia hạn.
Mở rộng nhưng vẫn kiểm soát
Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua. Người nước ngoài cũng có thể được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng thì phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho rằng không nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở tại Việt Nam.
Đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng nhưng TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng đi kèm với đó phải có những quy định chặt chẽ để phòng ngừa những vấn đề phức tạp có thể xảy ra. “Không thể để xảy ra tình trạng người nước ngoài mua nhà rồi hình thành khu phố mang đặc trưng văn hóa khác ngay trong lòng văn hóa Việt Nam”- ông Liêm kiến nghị.
Về lo ngại này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết chỉ đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại. Nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường, không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn (tương đương không quá 10% dân số của một phường).
Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng đề xuất của Bộ Xây dựng có thể giúp giải phóng một lượng không nhỏ hàng tồn bất động sản. Hơn nữa, nhà mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài thường hướng tới thuộc tầm trung và cao cấp nên sẽ không tác động xấu tới giá cả và nhu cầu về nhà ở của các đối tượng đang khó khăn về nhà ở trong nước. |
Đề xuất thêm đối tượng Ngoài 5 đối tượng quy định trong Nghị quyết số 19, Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng thêm đối tượng được mua nhà gồm: 1- Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó. 2- Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương, huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 3- Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ ĐH hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu. 4- Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam. 5- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở. Theo Bộ Xây dựng, ngoài những đối tượng nói trên cần bổ sung đối tượng khác để thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng. Dự kiến, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19 sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm nay. |
Bình luận (0)