Buổi giao lưu trực tuyến “Chọn nguyện vọng bổ sung 2013” do Báo Người Lao Động phối hợp với các trường ĐH tổ chức ngày 11-8 đã thu hút gần 1.000 câu hỏi của thí sinh và phụ huynh gửi về.
Điểm cao, vẫn trượt
Nhiều câu hỏi bày tỏ sự tiếc nuối, trăn trở vì nhiều thí sinh đã không trúng tuyển nguyện vọng (NV) cho dù đạt điểm cao. Thí sinh Nguyễn Thị Diệp Linh (sunrise_kt2000@...) cho biết thi ĐH khối A được 24,5 điểm và khối B đư
ợc 26,5 điểm (đã cộng ưu tiên khu vực) nhưng vẫn rớt ĐH. Bây giờ em rất đau đầu để kiếm một trường ĐH uy tín. Trước câu hỏi này, TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đánh giá đây là câu hỏi nhiều cảm xúc bởi với mức điểm này mà thí sinh vẫn rớt ĐH thì quả là đáng tiếc.
Tuy nhiên, TS Lý khuyên: “Nếu đã xác định rõ định hướng nghề nghiệp phù hợp bản thân rồi thì thí sinh nên tham khảo thông tin NV bổ sung của các trường. Riêng đối với Trường ĐH Nông Lâm TP HCM thì các ngành có tuyển NV2 cùng khối thi, với mức điểm trên thí sinh này chắc chắn đậu”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa (bìa trái) cùng các chuyên gia tư vấn trực tuyến cho thí sinh. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều câu hỏi bày tỏ thắc mắc về thủ tục và cách thức xét tuyển cũng như “chiến thuật” đăng ký NV bổ sung. Thí sinh Lê An Na (sandyvector123@...) hỏi xét tuyển NV bổ sung có phải là khi các trường nhận đủ phiếu điểm bằng với chỉ tiêu thì không nhận phiếu điểm nữa?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết việc xét tuyển NV bổ sung được thực hiên theo nguyên tắc: Nhà trường thông báo chỉ tiêu và điểm xét tuyển NV bổ sung, thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung. Sau khi hết hạn, nhà trường sẽ xét trúng tuyển NV bổ sung theo nguyên tắc lấy điểm thi từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu, chứ không phải theo thứ tự thời gian nộp hồ sơ.
Thí sinh Lê Thị Kim Hà (ngoi_sao_bang162@ …) hỏi: “Em thi vào Trường ĐH KH-XH-NV TP HCM và đã trúng tuyển. Tuy nhiên, hiện tại em cảm thấy mình không yêu thích ngành đã trúng tuyển, vậy em có được quyền xét tuyển NV bỏ sung vào các trường ĐH khác?”. TS Nguyễn Đức Nghĩa giải đáp: Các thí sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ được nhà trường cấp giấy báo trúng tuyển chứ không cấp giấy chứng nhận kết quả thi. Do vậy, thí sinh không thể đăng ký xét tuyển NV bổ sung vào các trường khác.
Còn nhiều cơ hội
Nhiều câu hỏi quan tâm cụ thể đến từng trường, từng ngành và khả năng trúng tuyển. Thí sinh Lê Thị Nguyệt Ánh (Alone_star1701@...) cho biết em thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đạt 23 điểm, thiếu 0,5 điểm ngành bác sĩ đa khoa. Vậy em phải nộp NV bổ sung như thế nào để có cơ hội trúng tuyển?
ThS Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường hiện vẫn còn 2 ngành xét tuyển NV bổ sung là cử nhân xét nghiệm y học và cử nhân kỹ thuật y học với mức điểm 14 trở lên. Bậc CĐ có ngành hộ sinh xét tuyển từ điểm sàn CĐ khối B. Thí sinh Nguyễn Bảo Duy (kduy94@...) thắc mắc em thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhưng chỉ được 22 điểm, nếu xét tuyển NV bổ sung vào 2 ngành mà trường đang xét tuyển và nếu trúng tuyển em sẽ học và chờ năm sau thi lại ngành y đa khoa có được không?
ThS Nguyễn Ngọc Hà cho biết nếu trúng xét tuyển ngành xét nghiệm y học hoặc kỹ thuật y học, thí sinh phải học hết khóa học vì các ngành học này đều thuộc chỉ tiêu có ngân sách nhà nước cấp và học xong thì phục vụ theo yêu cầu của ngành y tế TP HCM.
Thí sinh Trần Minh Anh (TP HCM) hỏi: Em đã trượt NV1 vào Trường ĐH Ngoại thương vì chỉ được 17 điểm. Với số điểm này em có thể xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Tài chính? ThS Lê Quốc Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Tài chính, cho rằng với mức điểm này cơ hội trúng tuyển vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán và công nghệ thông tin là rất cao vì trường xét tuyển các ngành bằng điểm sàn.
Thí sinh Ngô Kim Mai (kimmai595@...) băn khoăn vì thi khối A1 chỉ có 14 điểm, nay muốn nộp NV bổ sung vào ngành kế toán Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM thì có cơ hội trúng tuyển? ThS Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, cho biết ngành kế toán của trường xét tuyển NV bổ sung các khối A, A1 (từ 13 điểm) và D1 (từ 13.5 điểm). Với kết quả trên, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển NV bổ sung vào ngành kế toán của trường, khả năng trúng tuyển cao.
Cẩn trọng với “con dao hai lưỡi”
Một bạn đọc cho rằng đây là lúc thí sinh lỡ không trúng tuyển NV1 hoang mang và rất muốn có một trường để học nhưng nếu chọn không đúng ngành thì cũng là một điều không tốt. Vậy làm thế nào để thí sinh có phương pháp chọn ngành phù hợp với năng lực? TS Trần Đình Lý cho rằng NV bổ sung là con dao 2 lưỡi. Ý nghĩa tốt đẹp của việc này là làm sao để thí sinh đạt điểm cao có cơ hội vào ĐH. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thí sinh đó phải chọn được ngành phù hợp với mình chứ không phải kiếm đại ngành nào đó để học! Như vậy, phải xác định năng lực sở trường của mình phù hợp với lĩnh vực gì để đăng ký, sau đó chọn trường nào có ngành vừa sức của thí sinh. |
“Cơ hội trúng tuyển nguyện vọng bổ sung 2013”
Trước nhu cầu cần được tư vấn rất lớn của thí sinh và phụ huynh về NV bổ sung năm 2013, Báo Người Lao Động tiếp tục buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề này vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 13-8 với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn và đại diện các trường ĐH. Ban tư vấn gồm có: TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên - ĐH Quốc gia TP HCM; TS Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM; ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM; ThS Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng…
Thí sinh và phụ huynh quan tâm có thể đặt câu hỏi tại nld.com.vn.
Tòa soạn |
Bình luận (0)