Tính đến ngày 7-8, bộ phim Đường đua đã ra rạp hơn 10 ngày. Thời gian này đủ để thống kê doanh thu phòng vé bước đầu và cũng là mốc thời gian quan trọng nhất đánh giá sức hút của một bộ phim. Thế nhưng, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện nhà sản xuất Blue Productions, doanh thu Đường đua không được như mong đợi, thậm chí là ở mức “đáng buồn” trước cuộc đổ bộ của các phim ngoại.
Thua cả phim Thái Lan
Chưa nói đến những phim bom tấn của Hollywood ra rạp cùng thời điểm, doanh thu Đường đua, phim được báo chí và giới chuyên môn dành nhiều lời khen, còn thua xa phim Thái Lan Pee Mak (tựa tiếng Việt: Tình người duyên ma). Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Thanh Sơn bộc bạch: “Ở các rạp nhà như Galaxy, BHD hay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội thì doanh thu còn tốt, còn các rạp khác thì khá thảm, bị phim ngoại đủ loại đè cho bẹp gí ”.
Diễn viên Nhan Phúc Vinh, một trong ba gương mặt chính của phim, cũng nói rằng anh khá “sốc” trước doanh thu những ngày đầu của phim Đường đua. Một bộ phim được đánh giá cao như Đường đua lại không thu hút khán giả bằng những bộ phim hài nhảm là băn khoăn chung của nhiều người .
“Thực ra mình cũng đã lường trước việc này khi làm một bộ phim đụng chạm đến đề tài xã hội, mọi người sẽ nghĩ đây là phim bạo lực hay xã hội đen nhưng mình đầu tư làm phim này vì nó đề cập đến một vấn đề khác, vấn đề tâm đắc, đặt ra một câu hỏi ngầm: Ai sẽ bảo vệ thân phận nhỏ bé, không chỗ dựa của những người bé nhỏ trong xã hội hiện nay?” - ông Nguyễn Thanh Sơn tâm sự trên trang cá nhân.
Kết quả này khiến nhiều người trong giới chùn bước. Rất nhiều trang cá nhân cũng đã chia sẻ thông tin, kêu gọi ra rạp xem Đường đua “ủng hộ phim Việt”. Động thái này cũng chỉ góp một phần nhỏ lôi kéo khán giả cho các phòng vé, trong khi thành công doanh thu của một bộ phim thuộc về sự tự nguyện hào hứng của số đông. “Làm bộ phim này, chúng tôi hướng đến đối tượng khán giả sau 30 tuổi trong khi cũng biết rõ độ tuổi đến rạp xem phim hiện nay chủ yếu là khán giả trẻ hơn. Nhưng chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề sẽ thu hồi vốn mà đầu tư cho cái mình thích và cũng có chút hiếu thắng, muốn chứng minh điện ảnh Việt không thiếu người làm ra những bộ phim tử tế” - ông Nguyễn Thanh Sơn bộc bạch.
Đường đua không phải là dự án điện ảnh hành động duy nhất của Blue Productions. Khởi từ câu chuyện còn để lại nhiều bí ẩn này, đạo diễn Nguyễn Khắc Huy cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các phần tiếp theo. Đây cũng là cách mà điện ảnh thế giới đã từng làm. Nhưng nhà sản xuất cũng bày tỏ chân tình là sẽ xem xét lại từ phản ứng của khán giả và có sự cân nhắc, tính toán cẩn trọng hơn cho những bước tiếp theo.
Sống trong... hồi hộp
Chỉ được một thời gian ngắn phim Việt ra rạp “trái mùa” là đạt được những thành công hơn cả mong đợi. Điển hình nhất là vào năm 2010 với hàng loạt phim có doanh thu cao: Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Cánh đồng bất tận… Sự đón nhận của công chúng tạo niềm tin cho điện ảnh Việt không cần phải chờ đến dịp Tết mới có thể đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, những năm sau này, phim trái mùa trở lại thất bại cũ khi lọt thỏm giữa những bộ phim ngoại có sức hút lớn hơn. Phim Tết vẫn là thời điểm vàng cạnh tranh khán giả cho dù chất lượng phim ra rạp mùa Tết không thể bàn luận gì thêm ngoài mang lại tiếng cười cho khán giả.
“Nếu Tết chỉ 2, 3 phim ra rạp thì thắng; còn quá nhiều phim cùng ra rạp chỉ có chết mà thôi!” - đạo diễn Lê Bảo Trung nói. Cũng chính vì vậy mà bộ phim Biết chết liền! của anh đã chọn thời điểm lùi lại đến tháng 4 sau Tết nhưng mãi đến tháng 6, phim mới ra rạp. So với những phim hài trước, Biết chết liền! được khen nhiều hơn ở đề tài và cách thể hiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khi đạo diễn cố tình gieo tiếng cười không đúng chỗ. “Nhà làm phim Việt phải luôn “sống trong sợ hãi”, làm kinh dị quá thì sợ không phù hợp với những nguyên tắc cho phép của Cục Điện ảnh, nếu không tạo yếu tố hài hước thì khán giả lại không thích xem. Mà hài quá thì cũng bị khán giả chửi. Nói chung, mỗi lần làm một bộ phim, tôi phải cân nhắc đủ đường” - đạo diễn Lê Bảo Trung phân trần.
“Làm phim hài, tình cảm nhẹ nhàng có kinh phí đầu tư không cao lại dễ thu hồi vốn. Nhưng làm cái gì cũng phải tính toán, nhiều khi phải tính rất kỹ lưỡng” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói đến kinh nghiệm làm nghề. Đó cũng là lý do anh luôn chọn mới, lạ là yếu tố “đầu tiên” cho mỗi dự án phim khi biết rõ yếu tố ấy mang giá trị quyết định thành hay bại cho tác phẩm của mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn: “Thời điểm nào cũng sẽ có phim ngoại hay ra rạp, mùa Tết cũng vậy, chưa kể quá nhiều phim Việt ra rạp mùa Tết cũng không phải là tốt. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những mục tiêu đã đề ra, đầu tư cho các tài năng trẻ, chỉ có điều sẽ đi chậm lại một chút”.
Kỳ tới: Công chúng cần gì?
Khó vừa “được ăn” vừa “được tiếng” Biết được khán giả thích gì, cần gì từ những “bài học doanh thu” của phim hài nhảm. Nhìn thấy được thất bại nhãn tiền của những bộ phim có giá trị nghệ thuật được khen hay nhưng vắng người xem. Nhưng xoay chuyển tình thế hoặc làm nên bước ngoặt bất ngờ cho điện ảnh Việt, với các nhà làm phim, không phải là điều dễ dàng. “Tôi cho rằng làm phim giải trí, thành công về doanh thu mà không bị lên án, chê nhảm, nhạt thì cũng là thành công của đạo diễn rồi. Còn lâu nay, tôi vẫn thấy làm phim nghệ thuật không đạt doanh thu cao nhưng có giải thưởng trong và ngoài nước về nghề nghiệp thì vẫn để lại cho điện ảnh những giá trị văn hóa” - đạo diễn Vinh Sơn nhìn nhận.
Bình luận (0)