xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lãng phí “cơ hội vàng”

HỒNG ÁNH

“Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX tổ chức tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được xem là “cơ hội vàng” cho khoa học Việt Nam tiếp cận thành tựu khoa học thế giới nhưng lại có quá ít nhà khoa học trẻ trong nước tham dự

Sáng 12-8, chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” đã khai mạc hội nghị “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Đây được xem là điểm nhấn của “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX với sự tham gia của 5 nhà vật lý đoạt giải Nobel và gần 200 nhà khoa học trên thế giới, đề cập những vấn đề cốt lõi về vật lý hạt và vũ trụ học. Thế nhưng, chỉ có hơn 10 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đến dự.

“Phải ở nhà ngắm… sao”

Trước đó, trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” lần IX, hai hội nghị lồng ghép với chủ đề “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck”, “Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn” cũng không có các nhà khoa học trẻ Việt Nam đến dự.
 
img
GS Nobel Klaus von Klitzing đang trao đổi với sinh viên Việt Nam về nền khoa học trong nước hiện nay. Ảnh: H.Ánh

“Tôi biết hội nghị này qua internet lâu rồi nhưng không có điều kiện tham dự. Một người như tôi muốn tham dự hội nghị phải đóng 400 USD, ngoài ra còn phải tự lo ăn ở. Muốn lắm nhưng làm gì tôi có đủ chi phí để dự...” - anh Nguyễn Hùng Tuấn - quê Phú Yên, đang theo học cao học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM - cho biết.

Nguyễn Hoàng Đại Nghĩa, hiện là sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM chuyên ngành vật lý, cho rằng mình là người may mắn khi được chọn tham dự hội nghị “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Khi biết hội nghị này sắp tổ chức, hơn nửa lớp của Nghĩa đã đăng ký với trường xin tham dự. Tuy nhiên, trường chỉ có thể chọn 3 sinh viên hội đủ điều kiện về tiếng Anh và kiến thức để giới thiệu cho Hội Gặp gỡ Việt Nam. Kết quả, chỉ có Nghĩa được tham dự.

“Nghe hội nghị này, các bạn trong lớp em đều muốn tham dự. Tuy nhiên, nhiều bạn phải chấp nhận ở nhà ngắm… sao vì không có điều kiện. May mắn với em là được GS Trần Thanh Vân giúp đỡ, được ban tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí” - Nghĩa tâm sự. Theo Nghĩa, sinh viên Việt Nam không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các nhà khoa học lớn. Hội nghị này là cơ hội hiếm có để sinh viên Việt Nam nắm bắt được xu hướng nghiên cứu của những nhà khoa học lớn, biết con đường họ đến với khoa học ra sao...

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho rằng ông đau đáu với việc làm thế nào để giúp đỡ các nhà khoa học trẻ Việt Nam nhưng chỉ có mỗi mình hội thì không làm xuể.

Đam mê chưa được nuôi dưỡng

Sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội, Hoàng Thu Trang về công tác tại Viện Khoa học Vật liệu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) được một năm. “Dù công tác ở một viện nghiên cứu về vật lý nhưng tôi đang gặp trở ngại rất lớn do thiếu thiết bị thí nghiệm. Đôi khi đang triển khai một đề tài nhưng không có thiết bị thí nghiệm, tôi đành bó tay” - Trang cho biết.

Theo nhà khoa học trẻ này, lớp học vật lý ở ĐH của cô có đến 150 sinh viên nhưng nay chỉ còn 10 người đi theo khoa học. “Có thừa tình yêu khoa học nhưng họ không thể theo đuổi ước mơ của mình khi không được trang bị những gì cần thiết nhất” - Trang đúc kết.

TS Nguyễn Trọng Hiền, đến từ Viện Thí nghiệm phản lực của NASA - Mỹ, nhận xét: “Muốn nghiên cứu chuyên sâu, cần phải có nhiều thí nghiệm nhưng các trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam lại không có đủ thiết bị. Đó là lý do vì sao nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam phải ra nước ngoài”.

Theo GS Klaus von Klitzing, nhà bác học đoạt giải Nobel năm 1985, để nuôi dưỡng tình yêu khoa học, giáo dục Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn nữa cho chương trình sau ĐH. “Hãy nghĩ rằng đầu tư cho khoa học là đầu tư cho trí tuệ, cho nền tảng của Việt Nam trong tương lai” - ông nhấn mạnh.

Nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho giới trẻ

Sáng 12-8, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. ICISE được xây dựng theo kiến trúc Pháp trên diện tích 20 ha với tổng vốn 6 triệu USD do Hội Gặp gỡ Việt Nam đầu tư.

Sau 2 năm xây dựng, giai đoạn một của công trình đã hoàn thành trên diện tích hơn 8 ha, trong đó có trung tâm hội nghị 400 chỗ ngồi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo GS Sheldon Lee Glashow, trung tâm sẽ là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước láng giềng. Những khám phá khoa học mới nhất sẽ được thông báo thường xuyên tại đây. Phát biểu tại buổi khánh thành ICISE, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ICISE là cầu nối giữa các nhà vật lý Việt Nam với các nhà vật lý nước ngoài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo