Để tìm hiểu việc thành lập Công ty Cổ phần Thủy sản Gia Bảo rồi sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Gia Bảo để mua cá và “xù” nợ của nhiều người gần 10 tỉ đồng, ngày 13-8, chúng tôi tìm đến nơi đặt trụ sở của công ty này ghi trong giấy phép kinh doanh thì phát hiện tại địa chỉ M23, khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ chỉ là... một văn phòng luật sư! Đại diện của văn phòng luật sư này cho biết họ đã thuê ngôi nhà này làm văn phòng khoảng 3 năm nay.
Chưa cấp phép hoạt động
Liên lạc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, chúng tôi được biết nơi đây chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty Cổ phần Thủy sản Gia Bảo lần duy nhất vào ngày 26-4-2010 chứ không hề cấp lại giấy phép chuyển đổi công ty trên sang mô hình Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Gia Bảo như lời khai trước cơ quan điều tra của bà Nguyễn Thị Huỳnh Nhung (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty) và ông Nguyễn Văn Bổn, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản An Phương (trụ sở đặt tại số 76 Cách Mạng Tháng Tám, phường 6, quận 3, TP HCM).
Hơn nữa, mặc dù không còn hoạt động từ 3 năm qua nhưng đại diện của Công ty Cổ phần Thủy sản Gia Bảo vẫn chưa đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ làm thủ tục tạm ngưng hoặc giải thể.
Liên quan đến việc chiếm dụng tiền mua cá của 9 hộ dân để mua đất xây dựng Nhà máy Chế biến hải sản An Phương, cùng ngày, chúng tôi được một lãnh đạo của UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết ông Bổn mua đất của các hộ dân nhưng đến nay chỉ mới thanh toán được khoảng 20%. Hiện các hộ dân bị thiếu nợ tiền đất cũng đang làm văn bản nhờ các ngành chức năng yêu cầu ông Bổn trả nợ.
Chiếm dụng tiền mở tập đoàn?
Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện thêm tình tiết mới: Ông Nguyễn Văn Bổn còn chiếm dụng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng tiền bán cá của ông Lê Thanh Trung để thành lập Tập đoàn Việt Trung (đường Bông Sao, quận 8, TP HCM). Theo lời khai của bà Nhung trước cơ quan điều tra, ông Bổn có nói với bà rằng tập đoàn này kinh doanh bất động sản, cát và gạo.
Cũng theo bà Nhung, mặc dù trong thời gian còn hoạt động, Công ty Gia Bảo có mua cá của các hộ dân để xuất khẩu nhưng hằng tháng báo cáo thuế đều ghi “không phát sinh doanh số”. Bà Nhung thắc mắc vì sao có phát sinh doanh số và có xuất hóa đơn GTGT nhưng lại báo cáo như thế thì được ông Bổn trả lời rằng: “Cứ báo cáo như vậy, có gì tôi sẽ chịu”. “Tôi làm giám đốc nhưng không có kinh nghiệm, không hiểu biết về pháp luật nên tôi chỉ biết làm theo lời của ông Bổn” - bà Nhung trình bày với cơ quan điều tra.
Về việc các hộ dân tố cáo bà Nhung và ông Bổn chiếm đoạt tiền mua cá của họ và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, chiều 13-8, đại diện VKSND TP Cần Thơ cho biết cơ quan này vẫn đang tiếp tục xem xét vụ việc và sẽ trả lời trong vài ngày tới.
Đủ yếu tố cấu thành tội chiếm đoạt tài sản TS Lê Minh Hùng, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng: “Ông Bổn và bà Nhung đã cùng nhau bàn bạc, tính toán tìm cách xây dựng niềm tin đối với những người bị hại bằng cách lập công ty ký kết các hợp đồng để chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Sau đó, cả 2 âm thầm giải thể công ty không theo đúng trình tự luật định nhằm xóa hết dấu vết, cắt đứt mọi liên lạc với chủ nợ rồi lén lút chuyển sang hoạt động ở một địa bàn khác để trốn tránh việc trả nợ. Những dấu hiệu về hành vi trái pháp luật (chiếm đoạt tài sản của người khác), yếu tố thiệt hại (đặc biệt lớn, hàng chục tỉ đồng), ý thức chiếm đoạt và lẩn tránh, không chịu trả nợ... đã đủ yếu tố cấu thành của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự. |
Bình luận (0)