Các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đã từ chối bình luận về thông tin trong sứ quán có đặt máy chủ của chương trình theo dõi internet toàn cầu XKeyscore do Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành. NSA cũng từ chối bình luận về việc này.
700 máy chủ
Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ anh ta đang nắm giữ sơ đồ bố trí toàn cầu của 700 máy chủ trong chương trình XKeyscore. Sơ đồ này được NSA giới thiệu từ năm 2008. Nhiệm vụ của số máy chủ trên là theo dõi hoạt động của người sử dụng internet ở 150 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Nga, Trung Quốc và Ukraine.
Phóng viên Glenn Greenwald của báo The Guardian (Anh) đã từng thông tin máy chủ XKeyscore có thể đặt ở Moscow. Báo Nga Vedomosti cũng đưa tin các cơ quan tình báo Nga chắc chắn 100% rằng máy chủ của chương trình này phải bố trí tại sứ quán Mỹ ở Moscow. Lực lượng an ninh Moscow cũng có nghi ngờ tương tự.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ thông tin Nga lại không tin. Giám đốc Trung tâm Điều phối tên miền internet quốc gia, ông Andrei Kolesnikov, cho rằng phóng viên Greenwald đã nhầm lẫn khi mô tả nó. Còn ông Alexander Lyamin, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin Highloadlab, thì không tin vào những gì Snowden tiết lộ.
Hiện nay, không ai có thể liên lạc được với Snowden để xác thực thông tin vì người đại diện của anh ta, luật sư Anatoly Kucherena, đi nghỉ đến cuối tháng 8 này.
Xét xử tin tặc Nga
Trong một diễn biến khác, theo hãng tin RIA Novosti, tại phiên xét xử ở Mỹ ngày 12-8, công dân Nga Dmitry Smilyanets đã bác bỏ cáo buộc dính líu đến vụ án tin tặc được các công tố viên đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo kết luận điều tra, trong suốt 7 năm trời, Smilyanets đã cùng với 3 công dân Nga khác - gồm Alexander Kalinin, Vladimir Drinkman, Roman Kotov - và 1 người Ukraine tên Mikhail Rotykov thâm nhập vào mạng lưới máy tính các công ty lớn nhất của Mỹ và quốc tế, đánh cắp dữ liệu hơn 160 triệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, rồi đem bán để bỏ túi hàng trăm triệu USD.
Smilyanets và Drinkman bị nhà chức trách Hà Lan bắt giữ cách đây 1 năm. Tháng 9-2012, Smilyanets bị dẫn độ. Còn vấn đề dẫn độ Drinkman đang được xử lý. Các nghi can còn lại vẫn đang bị truy nã.
Trong trường hợp bị kết tội, Smilyanets có thể lãnh bản án 30 năm tù về tội lừa đảo, 30 năm tù giam vì xâm nhập vào các mạng lưới điện tử và 5 năm tù cho mỗi chi tiết xâm nhập bất hợp pháp máy tính của những người sử dụng internet.
Đức - Mỹ sẽ không do thám nhau Theo hãng tin AP, sau vụ Edward Snowden tiết lộ chương trình theo dõi của NSA, trong tháng 8 này, Đức và Mỹ sẽ đàm phán về một thỏa thuận không do thám lẫn nhau. Chánh văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Ronald Pofalla, cho biết thỏa thuận như thế sẽ đưa ra cơ hội xác lập chuẩn mực hoạt động của các cơ quan tình báo phương Tây trong tương lai. Theo ông, thỏa thuận trên cũng sẽ bao gồm cả thông tin tình báo kinh tế. Tuy nhiên, ông Pofalla đã không cung cấp chi tiết thỏa thuận trên sẽ hạn chế như thế nào các hoạt động của NSA, chẳng hạn như chương trình PRISM. |
Bình luận (0)