Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 13-8 xác nhận bộ này đã tạm dừng một số chương trình hợp tác quân sự với Mỹ để phù hợp với chính sách của chính phủ và tình hình hiện nay.
Trung tướng Nem Sowath, Cục trưởng Cục Đối ngoại và Chính sách thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia, cho biết trong cuộc họp báo: “Chúng tôi chỉ tạm dừng - không phải đình chỉ hay hủy bỏ - một số chương trình hợp tác quân sự với riêng Mỹ vì năng lực và trang bị của chúng tôi còn hạn chế. Chúng tôi cần thêm thời gian để chuẩn bị cho sự hợp tác đôi bên”.
“Bên này hoặc bên kia đề nghị tạm dừng các chương trình hợp tác quân sự là chuyện bình thường” - ông Nem Sowath nói, đồng thời cho biết thêm ngoài Mỹ, hợp tác quân sự giữa Campuchia và các đối tác quốc tế khác vẫn duy trì theo đúng kế hoạch nhằm tăng cường khả năng bảo vệ đất nước của quân đội đất nước Chùa Tháp.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Campuchia vừa đình chỉ các chương trình hợp tác quân sự quốc tế với Mỹ và nhiều nước khác. Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho hay Mỹ sẽ không coi động thái này của Campuchia là sự ngưng trệ trong quan hệ quốc phòng song phương.
Theo hãng tin AP, hành động trên có thể liên quan đến việc nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi cắt giảm viện trợ trực tiếp cho chính phủ Campuchia nếu thực sự cuộc bầu cử quốc hội ngày 28-7 không công bằng và minh bạch.
Hỗ trợ quân sự - bao gồm các lĩnh vực an ninh biển, chống khủng bố và trợ giúp nhân đạo - chỉ chiếm một phần nhỏ trong hơn 70 triệu USD viện trợ hằng năm mà Mỹ dành cho Campuchia. Tuy không lớn nhưng đây là nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng quan hệ với một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. Hợp tác quân sự giữa 2 nước bắt đầu chuyển động từ năm 2006, trong đó có công tác huấn luyện cho sĩ quan Campuchia và các cuộc tập trận thường kỳ. Một người con trai của Thủ tướng Hun Sen từng được đào tạo tại Học viện Quân sự West Point của Mỹ.
Một diễn biến khác được dư luận Campuchia chú ý là Quốc vương Norodom Sihamoni đã bay sang Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 12-8. Báo chí địa phương cho hay nhà vua đi cùng Thái hậu Norodom Monineath để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Theo báo Cambodia Daily và Phnom Penh Post, nhiều người cho rằng thời điểm chuyến đi khá nhạy cảm: Chỉ 2 tuần sau cuộc bầu cử và đúng vào ngày Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) công bố kết quả sơ bộ chính thức. Ngoài ra còn có lo ngại về việc nhà vua không kịp trở về khi phiên khai mạc của quốc hội khóa V diễn ra. Hiến pháp Campuchia quy định quốc vương phải là người chủ trì phiên họp đầu tiên của quốc hội mới trong vòng 60 ngày kể từ khi bỏ phiếu.
Một thông cáo của Hoàng gia Campuchia ngày 13-8 trấn an nhà vua sẽ về trước thời hạn trên. Trong trường hợp ông vắng mặt, nhiệm vụ chủ trì sẽ do Chủ tịch Thượng nghị viện Chea Sim, cũng là chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảm trách. Thông cáo cũng khẳng định chuyến đi của nhà vua là bình thường, không hề mang mục đích chính trị và diễn ra 6 tháng/lần, lưu lại Bắc Kinh từ 10 ngày đến 2 tuần.
Bình luận (0)