Ngày 16-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, 4 thuyền viên tàu cá Hsieh Ta (Đài Loan) khẳng định việc họ nhảy khỏi tàu ở Tahiti là do bị đánh đập chứ không phải có ý định bỏ trốn để tìm công việc khác tại cảng Papeete. Các thuyền viên mong muốn sớm được đối chất với chủ tàu, doanh nghiệp phái cử để làm sáng tỏ sự thật.
Thuyền viên Hoàng Văn Hậu đang trình bày lý do nhảy khỏi tàu Hsieh Ta (Đài Loan) Ảnh: ĐỨC NGỌC
Liên quan đến cáo buộc thuyền viên bỏ trốn của chủ tàu Hsieh Ta, cả 4 người đều cho rằng không nằm ngoài mục đích vu cho họ vi phạm hợp đồng để né tránh giải quyết quyền lợi. Thuyền viên Nguyễn Văn Hùng (xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) giải thích: "Chúng tôi nhảy khỏi tàu lúc 11 giờ, thời điểm có nhiều người đứng trên bong nhìn thấy. Nếu bỏ trốn, chúng tôi phải nhảy vào ban đêm thì mới có cơ hội thoát chứ?".
Anh Hùng trần tình: "Lúc nhảy xuống biển, chúng tôi không nghĩ sẽ bơi được vào bờ. Chúng tôi chỉ hy vọng có thuyền của cảnh sát tới cứu, rồi nhờ can thiệp để được đưa về nước".
Thuyền viên Trần Văn Dũng (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) khẳng định việc mình nhảy khỏi tàu là do bị đánh đập nhiều lần. "Chúng tôi nhảy xuống biển là muốn được giải cứu để về quê, không hề có ý định bỏ trốn để tìm việc khác. Tôi sẵn sàng đối chất với chủ tàu và phía công ty đưa đi để làm rõ sự việc" - anh bức xúc.
Liên quan đến báo cáo của Công ty CP Xuất khẩu lao động, Thương mại và Du lịch (TTLC) gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước kèm theo bản tường trình của 2 thuyền viên Hoàng Văn Hậu và Lê Đình Anh ký vào đêm 12-8, thừa nhận lý do nhảy tàu là muốn tìm công việc khác ở cảng Papeete, thuyền viên Hậu (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất đêm 12-8, hai người được một cán bộ TTLC đưa đến khách sạn nghỉ ngơi. "Tại đây, một người tên Tài yêu cầu tôi và anh Lê Đình Anh viết tường trình sự việc. Trong bản tường trình, tôi ghi rõ lý do nhảy khỏi tàu là vì bị đánh đập" - anh Hậu khẳng định.
Ai đúng, ai sai trong vụ này đang trở thành chuyện phức tạp và như nguyện vọng của các thuyền viên, họ rất mong muốn được tiếp xúc với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ, cũng là cách để bảo vệ mình. Một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết cục sẽ tiếp tục xác minh từ nhiều phía, khi có kết quả đầy đủ sẽ thông tin chính thức vụ việc, đồng thời chỉ đạo biện pháp giải quyết trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan.
Nếu kết quả xác minh cuối cùng không đúng như 4 thuyền viên phản ánh, chắc chắn bất lợi sẽ thuộc về họ khi thanh lý hợp đồng. Theo đó, ngoài việc không được hoàn trả chi phí môi giới, phí dịch vụ quãng thời gian còn lại của hợp đồng, các thuyền viên còn phải hoàn trả tiền vé máy bay (nếu doanh nghiệp ứng tiền mua) và bồi thường hợp đồng. Nếu ngược lại, các doanh nghiệp phái cử phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng, buộc chủ tàu khôi phục đầy đủ quyền lợi, hoàn trả các chi phí cho thuyền viên theo đúng quy định.
Bình luận (0)