Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều mẫu sản phẩm làm từ tinh bột như bún, bánh phở, bánh ướt… (bún, bánh tươi) tại TP HCM bị phát hiện chứa chất tẩy trắng tinopal, acid oxalic (chất cấm dùng trong thực phẩm) và natri sulfite (sử dụng vượt mức cho phép). Thông tin này khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại bởi bún, bánh tươi vốn quá phổ biến và có mặt trong hầu hết các bữa ăn, bữa tiệc gia đình.
Người tiêu dùng chọn mua hủ tiếu ăn liền tại siêu thị Ảnh: Hồng Thúy
Sức mua giảm đến 50%
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bún, bánh tươi tại hơn 200 cơ sở sản xuất tại TP HCM để kiểm nghiệm hóa chất độc hại. Bước đầu, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất độc hại và đã xử phạt vi phạm hành chính. Đáng nói là trong đó có cả một công ty chuyên cung cấp bún, bánh tươi cho những siêu thị lớn trên địa bàn TP HCM, đồng thời từng ký cam kết không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất.
Những thông tin liên tiếp được công bố về bún, bánh tươi chứa chất độc hại gây hoang mang cho người tiêu dùng. Tâm lý lo ngại của người tiêu dùng ngày càng gia tăng khi sau TP HCM, nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ… cũng phát hiện có tinopal trong bún, bánh tươi.
Trước thực trạng nhiều cơ sở sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất, không ít người đã tẩy chay sản phẩm bún, bánh tươi để bảo vệ sức khỏe. Tại nhiều chợ và siêu thị, sức mua các loại bún, bánh tươi giảm đến 50%.
Tại các chợ ở TP HCM như Tân Định (quận 1), Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Bến Thành (quận 1)…, tiểu thương bày bán bún, bánh tươi có bao bì, nhãn mác ghi rõ địa chỉ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng kèm theo dòng chữ "sản phẩm không dùng hóa chất độc hại, chỉ sử dụng trong ngày" nhưng vẫn rất ít người mua.
Cơ hội cho bún, phở khô ăn liền
Lo ngại trước chất lượng bún, bánh tươi, nhiều người chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khô và khô ăn liền chế biến từ gạo. Tại các siêu thị Co.opmart, BigC, Maximark, Citimart… và một số cửa hàng, chợ truyền thống, sức mua những sản phẩm khô từ gạo đang gia tăng.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Acecook Việt Nam (thương hiệu Vina Acecook), cho biết nhiều người tiêu dùng đã cẩn thận điện thoại đến hỏi các loại sản phẩm làm từ gạo như bún, hủ tiếu, phở ăn liền và bún khô, phở khô của công ty có đảm bảo chất lượng không, có chứa hóa chất độc hại không. Ông Hùng khẳng định công ty luôn chú trọng chất lượng sản phẩm. Tất cả sản phẩm của công ty đều được sản xuất bằng công nghệ hiện đại của Nhật Bản.
Theo ông Hùng, hiện Vina Acecook đã xuất khẩu mì và các sản phẩm gốc gạo sang hơn 40 nước trên thế giới. Ngoài các chứng nhận ISO, HACCP, sản phẩm của đơn vị này còn được cấp chứng nhận IFS, BRC… tại nhiều thị trường xuất khẩu. Sản phẩm của công ty sản xuất với sự giám sát rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm nên không sử dụng chất tẩy trắng và bất kỳ hóa chất độc hại nào. "Với các sản phẩm gốc gạo, công ty ký hợp đồng dài hạn với những nhà cung cấp gạo nổi tiếng. Chúng tôi kiểm soát chặt nguyên liệu gạo đầu vào và thường xuyên kiểm tra mẫu nên luôn chủ động về chất lượng sản phẩm làm ra" - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng không phải đợi đến lúc người tiêu dùng quay lưng với bún, bánh tươi, thị trường các sản phẩm gốc gạo mới được khai phá. Từ 2-3 năm nay, tốc độ tăng trưởng các sản phẩm gốc gạo rất tốt, luôn ở mức trên 10%/năm. Các sản phẩm từ gạo có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, không qua chiên nên phù hợp với xu hướng tiêu dùng nhanh, được nhiều người đón nhận.
"Hiện Vina Acecook chiếm hơn 50% thị phần sản phẩm gốc gạo với các sản phẩm: hủ tiếu ăn liền Nhịp Sống, phở ăn liền Đệ Nhất, bún ăn liền Hằng Nga, phở Xưa & Nay (dạng vắt), bún khô Hằng Nga. Tại các thị trường xuất khẩu, sản phẩm từ gạo chính là "đặc sản" của Vina Acecook" - ông Hùng cho biết.
Chưa quan tâm kiểm soát chất lượng thực phẩm khô Trong khi Vina Acecook và một số doanh nghiệp lớn như Bích Chi, Safoco… sản xuất sản phẩm nguồn gốc từ gạo được kiểm soát chất lượng, có bao bì nhãn mác rõ ràng thì các chợ truyền thống bán rất nhiều loại bún khô, nui, hủ tiếu… dạng xá. Các sản phẩm này do những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, phân phối và hướng tới đối tượng khách hàng là người tiêu dùng bình dân, ở ngoại thành và các tỉnh xa. Vì được bán tràn lan, dễ mua và dễ chế biến nên lâu nay, người tiêu dùng chọn các sản phẩm này mà chưa quan tâm đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cũng chưa chú ý giám sát, kiểm tra chất lượng của chúng. |
Bình luận (0)