Theo dấu chân của ông Nguyễn Văn Bồng (65 tuổi), chúng tôi về khóm 7, thị trấn Khe Sanh và dạo qua một vòng xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây từng là điểm nóng về tình trạng phá rừng khi nhiều rừng thông bạt ngàn nay chỉ còn trơ đồi trọc.
Đội giữ rừng có sự tham gia của những chú chó săn
Nặng nợ với rừng
Sáng sớm tinh mơ, cùng nắm hương nghi ngút trong tay, một nhóm người bày biện lễ vật cúng mở cửa rừng. Đội trưởng Nguyễn Văn Bồng thắp hương, lầm rầm cầu khấn: "Năm mới, mong thần rừng cho chúng con được sức khỏe, gia đình bình an. Anh em chúng con ở đây đều thành tâm bảo vệ những vạt rừng này". Xong xuôi, họ tản ra để đi tuần, chia nhau những khu rừng được dự đoán có nguy cơ bị phá hoại trong ngày hôm đó.
Băng qua con đường rừng, ông Bồng kể: "Trước đây, tôi ở thôn Đại Thủy, xã Tân Liên, làm thợ sơn tràng. Ngày thường thì đốn củi khô bán khắp các chợ và quán xá trong làng xã, hết đợt tôi lại đi làm thuê. Vì thế, dân trong thôn cứ bảo tôi là "thợ đụng". Đến khi Lâm trường huyện Hướng Hóa mở chiến dịch trồng cây thông lấy mủ, tôi mới có công việc ổn định". Gia đình ông Bồng đấu thầu trồng được mấy hecta thông rồi khai thác nhựa thông. Ngay từ những ngày đầu, ông và một số hộ dân đã liên kết với các kiểm lâm để bảo vệ những khoảnh rừng mình được giao.
"Đội khai thác mủ thông của chúng tôi có 14 thành viên. Mỗi người đều được phân một khu vực cụ thể, có người lên tới 4-5 ha. Hằng ngày, công việc của chúng tôi là đi cạo mủ. Vì vậy, cây thông nào chúng tôi chả biết, có xê dịch gì là chúng tôi trực tiếp báo cáo với bảo vệ hay lâm trường liền" - ông Bồng nói.
Khi người dân có rừng thông để làm kinh tế cũng là lúc "lâm tặc" hoạt động trên diện rộng. Đây là khu vực rừng trồng, hầu hết cây cối đều gần 30 năm tuổi nên chỉ cần hạ được 1 cây, bọn phá rừng sẽ thu về món hời khá lớn. Trước đây, nhóm ông Bồng chỉ mang 1 chiếc rựa đi bảo vệ rừng. Bây giờ, do "lâm tặc" hung hãn dùng máy cưa chống trả nên đội phải trang bị cho mình nhiều "đồ nghề" thiện chiến.
Mỗi thành viên trong nhóm đều nuôi 3-4 chú chó săn thiện nghệ, chỉ cần đánh hơi thấy người lạ là chúng sủa ầm ĩ đánh động đội giữ rừng. Theo các thành viên trong đội, đội ngũ chó săn của ông Nguyễn Văn Tuân đông đảo nhất, nhiều lần từng làm cho bọn phá rừng và trộm nhựa khiếp vía.
Gặp chúng tôi, như để biểu diễn, chỉ sau vài cái huýt sáo và tiếng "xuỵt" liên hồi, đàn chó 4 con của ông Tuân thi nhau quần thảo, sủa vang cả một vạt rừng. Ông Tuân cho biết: "Địa hình ở đây dốc lắm, toàn là rừng một mái, đi đứng không cẩn thận sẽ ngã dúi dụi. Thế mà sơ hở một tí là bọn phá rừng rã từng cây một đem về nhà. Chúng tôi sinh sống nhờ rừng nên cố bảo nhau ra sức mà giữ gìn, chả đòi lương bổng hay trợ cấp gì cả".
Trong lúc trò chuyện, có người trong đội còn bồi hồi về quá khứ: "Lúc trước, bọn tôi là ‘lâm tặc" cả đó. Ngày xưa có biết gì đâu, thiếu củi thì vào rừng chặt phá, thiếu chỗ trồng cây là đi khai hoang bừa bãi. Bây giờ nghĩ lại thấy mình có lỗi với rừng nên phải chú tâm bảo vệ thôi...".
Ông Nguyễn Văn Bồng làm lễ khấn, thề giữ rừng Ảnh: BÙI TÚ
Bao dung với thiên nhiên
Đi vòng vèo một hồi xuyên qua cánh rừng cũng là lúc đồng hồ điểm 12 giờ, trong bụng đã đói, đội giữ rừng lấy điện thoại, í ới báo cho nhau điểm tập trung ở đầu cánh rừng. Nơi đây, họ đã dựng tạm một căn chòi để nghỉ trưa cũng như thay phiên nhau trực trong đêm chống "lâm tặc". Trong chòi, một thành viên của đội đang chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc. Bữa ăn hôm nay đặc biệt đậm đà khi nhiều cụ cao niên trong thôn Đại Thủy (xã Tân Liên) cũng đến góp vui.
Theo các cụ, nhờ đội giữ rừng mà tình trạng gỗ thông bị cưa xẻ và tuồn ra ngoài giảm hẳn, thậm chí đã chặn đứng được bọn phá rừng. Cụ Lê Quận Thám, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hướng Hóa, tâm sự: "Tôi mù lòa đến nay đã mấy chục năm. Thời mắt còn sáng, những cây thông mới bén rễ, giờ thì ôm một vòng tay tôi mà chả hết được. Có được như vậy đâu đơn giản! Rừng có sẵn thì giữ đã đành, rừng trồng cũng phải giữ chứ, không giữ thì "lâm tặc" đốn sạch".
Những người ở đây có một tấm lòng thật bao dung với rừng núi. Thông thường, nếu chặt trộm trót lọt một cây thông chừng choàng tay một người ôm thì có thể giúp cả nhà sống suốt cả tháng. Song, các thành viên trong nhóm giữ rừng đều dặn lòng rằng mình là những "kiểm lâm". Họ hy vọng một ngày không xa, huyện vùng biên đầy nắng và gió Lào này sẽ phủ kín những cánh rừng bạt ngàn.
Ông Bồng cho biết ông mong một ngày nào đó, người dưới xuôi lên đây sẽ ngỡ rằng miền biên ải này là Đà Lạt với thông reo vi vu bên những khúc cua uốn lượn bồng bềnh trong sương rừng và khí núi. TP Đà Lạt đẹp và thơ mộng nhờ những rừng thông thì ở đây cũng vậy, thông rất nhiều nên họ muốn giữ cho con cháu mai sau. Giấc mơ của những người quanh năm ẩn mình trong rừng hoàn toàn phù hợp với các dự án du lịch mà huyện Hướng Hóa triển khai thời gian qua.
"Chúng tôi sinh sống nhờ rừng nên cố bảo nhau ra sức giữ gìn, chẳng đòi lương bổng hay trợ cấp gì cả". |
Bình luận (0)