NSND Bạch Diệp từng chia sẻ với đạo diễn Đỗ Đức Thành rằng bà mong sớm ra đi để giải thoát khỏi những nỗi đau thể xác khi đang mang bệnh ung thư và bà cho rằng mình sống tới giờ đã mãn nguyện rồi. Thế nhưng, tin bà ra đi vẫn khiến không ít người bàng hoàng thương tiếc.
NSND Bạch Diệp Ảnh: Hồ Quang
Ngay khi nghe tin NSND Bạch Diệp qua đời, NSND Trà Giang đã đáp chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội để tiễn đưa lần cuối người đồng nghiệp thân thiết của mình. Được coi là “nàng thơ” của NSND Bạch Diệp trong điện ảnh, NSND Trà Giang từng nhận 2 giải Diễn viên xuất sắc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình cho 2 vai diễn trong 2 phim của NSND Bạch Diệp: Ngày lễ thánh và Huyền thoại về người mẹ.
Chia sẻ về đồng nghiệp cũng là người chị thân thiết của mình, NSND Trà Giang cho biết đến giờ, bà vẫn luôn cảm kích tinh thần làm việc của NSND Bạch Diệp cũng như niềm tin mà đạo diễn này dành cho bà. Từ sự tâm đầu ý hợp trong điện ảnh, 2 người đã trở thành những người bạn rất thân ngoài đời. Lần nào ra Hà Nội, NSND Trà Giang cũng đến thăm người chị, người đồng nghiệp thân thiết của mình. Lần cuối cùng Trà Giang đến thăm NSND Bạch Diệp cách đây chưa đầy một tháng, ngày 24-7. “Khi ấy, chị rất yếu nhưng cứ nói đến điện ảnh là mắt lại sáng long lanh. Lần đó, chị khóc, cả 2 cùng biết sẽ không còn được gặp nhau nữa” - NSND Trà Giang nghẹn lời. “Vẫn biết ngày chia xa sẽ đến nhưng những người yêu quý cô vẫn không khỏi xót xa” - đạo diễn Đỗ Đức Thành buồn bã khi nói về sự ra đi của NSND Bạch Diệp.
Ở tuổi ngoài 80, NSND Bạch Diệp vẫn mê mải với việc làm phim. Đạo diễn Trần Lực tâm sự rằng hiếm ai đến tuổi ngoài 80 vẫn miệt mài làm phim như bà. NSND Khải Hưng kể cách đây vài năm, trước khi bị ung thư, đạo diễn Bạch Diệp đã đến tìm ông, đề nghị làm một phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy không dùng được máy tính nhưng NSND Bạch Diệp đã viết tay 5 tập phân cảnh phim Hà Nội một thời. Đạo diễn Khải Hưng nhấn mạnh rằng điều ông quý nhất ở bà Bạch Diệp chính là tinh thần làm việc nghiêm túc cao độ. Cách làm việc của NSND Bạch Diệp đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các đạo diễn trẻ có cơ hội được cộng tác với bà như Đỗ Đức Thành, Nguyễn Thanh Vân, Trần Lực…, thậm chí nhiều đồng nghiệp đã đặt cho bà nhiều biệt danh “Nữ tướng trường quay”, “Con hổ trường quay” hay “Người đàn bà đanh thép”. Chính bà cũng từng chia sẻ: “Có đạo diễn trẻ đi làm phim với tôi bảo nhiều đạo diễn hiền lành, dễ dãi chứ cô thì nghiêm khắc quá, có nhiều lúc sợ. Nhưng sợ rồi mới thấy trưởng thành lên nhiều”. Được đào tạo điện ảnh chính quy nhưng để có được sự thành công trong Ngày lễ thánh, Huyền thoại về người mẹ hay nhiều bộ phim khác, đạo diễn Bạch Diệp luôn tự học hỏi rất nhiều. Bà cho rằng đã mang nghiệp làm phim mà không tự sửa mình, luôn cho mình là giỏi hơn người thì chẳng bao giờ có phim hay.
Đầu năm 2013, khi đang trên giường điều trị căn bệnh quái ác, NSND Bạch Diệp vẫn tâm sự rằng mỗi lần nghĩ đến điện ảnh là bà vẫn thấy niềm vui sống. Có thể trong cuộc đời, bà là người có nhiều nỗi niềm, có thể hạnh phúc riêng tư không trọn vẹn (bà sống với nhà thơ Xuân Diệu được nửa năm rồi chia tay, cuộc hôn nhân sau đó với ông Nguyễn Đức Tường cũng chỉ kéo dài 15 năm, không có con) nhưng với điện ảnh, chắc chắn Bạch Diệp chẳng bao giờ thấy mình cô đơn.
Vĩnh biệt nữ đạo diễn phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam!
Bình luận (0)