* Phóng viên: Vừa qua, Cục CSGT Đường bộ đường sắt - Bộ Công an có ban hành văn bản 1042 về việc phát hiện, xử lý những người giả danh nhà báo ghi hình CSGT với mục đích hướng dẫn hoạt động của nội bộ ngành CSGT. Luật sư nghĩ gì về văn bản này?
Nhiều bạn đọc cho rằng nếu trong sạch thì sợ gì người khác quay phim
* Luật sư Nguyễn Thành Công: Sau khi xem toàn văn bản, tôi thấy ngôn từ thể hiện chưa thật sự rõ ràng. Cụ thể, trong phần 2 của văn bản có đoạn: "Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thứ nhất, văn bản này không có điều khoản nào cấm người dân hoặc nhà báo quay phim CSGT đang thực thi công vụ. Tuy nhiên, việc quay phim chụp hình của người dân và nhà báo phải xin phép thì vô hình chung sẽ khiến cho người ta hiểu rằng tất cả mọi người không được được chụp ảnh, quay phim CSGT nếu chưa được sự đồng ý của họ.
Điều này đã triệt tiêu quyền được tham gia quản lý nhà nước, xã hội, kiến nghị với cơ quan nhà nước và quyền khiếu nại tố cáo hành vi tiêu cực, trái pháp luật của cơ quan nhà nước được quy định tại điều 54 và điều 74 của chương V hiến pháp năm 1992. Bởi lẽ, cấm người dân quay phim chụp hình thì khi họ bị CSGT vòi tiền, thực hiện những hành vi sai trái thì bằng chứng đâu để người dân tố cáo?
Ngoài ra, muốn quay phim, chụp hình thì phải xin phép, vậy có ai làm tiêu cực mà cho phép người khác quay phim tố cáo mình hay không? Nội dung văn bản ngăn chặn quyền của người dân nhưng lại tiếp tay cho những CSGT có hành vi tiêu cực.
Thứ hai, “nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”: Báo cho cơ quan chủ quản nào? Của ai? Của CSGT hay của nhà báo?
Tóm lại, nội dung văn bản là cấm người giả danh nhà báo quay phim, chụp hình với mục đích không tốt nhưng ngôn từ không rõ ràng như đã phân tích sẽ khiến nhiều người hiều lầm. Đồng thời, một số CSGT tiêu cực sẽ chớp lấy cơ hội theo nội dung văn bản này để hiểu theo cách của họ mà cấm mọi người quay phim, chụp hình khi thực thi công vụ.
* Thưa luật sư, nếu văn bản này có những điều chưa rõ ràng như vậy thì có hậu quả gì hay không?
- Sẽ phát sinh rất nhiều hậu quả vì nếu người ta cứ hiểu theo cách cấm người dân và nhà báo quay phim, chụp hình thì hệ lụy xảy ra đó là việc kiện tụng tại các cơ quan có thẩm quyền. Vì sao? Vì văn bản này cấm nhưng những điều luật khác lại cho phép công dân được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước để tố cáo tiêu cực.
* Như vậy, trước một văn bản không rõ ràng và trái luật, nhất là Luật Báo chí như vậy thì có nên thu hồi?
- Một văn bản liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý, liên quan đến nhiều người thì phải cẩn thận từng câu, chữ, từng ngôn từ, dấu chấm, dấu phẩy. Chính vì vậy, dưới góc độ một luật sư, tôi nghĩ cơ quan ban hành văn bản nên thu hồi “sản phẩm” của mình để hoàn thiện một văn bản khác có nội dung chặt chẽ, đúng pháp luật hơn.
*Vậy theo luật sư, vấn đề cốt lõi của sự việc này là như thế nào?
- Tôi hiểu rằng, Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt khi ban hành văn bản này là nhằm phát hiện, xử lý những người giả danh nhà báo để quay phim, chụp hình những hành vi tiêu cực của CSGT nhằm mục đích xấu. Chính vì vậy, để người dân và CSGT không hiểu nhầm chủ trương này thì trong văn bản mới nên có một định nghĩa rõ ràng, rành mạch thế nào là giả danh nhà báo (chẳng hạn như làm giả thẻ nhà báo, giả giấy giới thiệu của các cơ quan báo đài…). Có như vậy những người bị xử lý mới tâm phục khẩu phục.
Bình luận (0)