Như vậy, sau 17 tháng bị cách chức ủy viên Bộ Chính trị kiêm bí thư Thành ủy Trùng Khánh, 1 trong 4 thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc, ông Bạc Hy Lai, năm nay 64 tuổi, sẽ chính thức hầu tòa để trả lời những câu hỏi mà bấy lâu nay dư luận xã hội thắc mắc.
Khó chối tội
Hãng tin Tân Hoa Xã khi đưa ra thông báo ngày xử án chính thức không cho biết phiên xử sẽ kết thúc khi nào. Tuy nhiên, theo Lý Quý Phương, 1 trong 2 luật sư bào chữa chính thức cho ông Bạc Hy Lai, phiên tòa sẽ không kéo dài quá 2 ngày vì đây là vụ án đậm chất chính trị hơn chất hình sự và bản án đã được định trước ở Bắc Kinh chứ không phải do các thẩm phán Tế Nam quyết định. Mức hình phạt đối với ông Bạc sẽ được công bố sau đó vài tuần. Trước đây, vụ án bà Cốc Khai Lai - vợ ông Bạc, can tội giết doanh nhân người Anh Neil Heywood - cũng đưa ra xét xử tại Tòa án Tế Nam, kết thúc trong vòng 1 ngày. Bản án tử hình treo được đưa ra sau đó 10 ngày.
Thông báo của Tân Hoa Xã hết sức ngắn gọn không nêu chi tiết tội trạng ông Bạc mà cho tới nay chỉ gói gọn trong 3 cụm từ tham ô, tham nhũng và lạm quyền. Những chi tiết cụ thể rò rỉ bằng nguồn không chính thức, trong đó có Tài Kinh, một tạp chí kinh tế có uy tín ở Trung Quốc, cho biết ông Bạc Hy Lai tham ô 20 triệu nhân dân tệ chủ yếu thời ông làm thị trưởng Đại Liên (1993-1999), trong đó có 16 triệu nhân dân tệ từ tay doanh nhân Từ Minh, thể hiện bằng ngôi biệt thự ở TP Cannes - Pháp, mua hồi năm 2000 để tặng bà Cốc Khai Lai và con trai ông Bạc. Riêng tội tham ô 5 triệu nhân dân tệ, ông Bạc dùng phần lớn để đưa con trai Bạc Qua Qua ra nước ngoài ăn học và phục vụ những chuyến đi châu Âu của bà Cốc Khai Lai.
Tội lạm dụng chức quyền diễn ra chủ yếu lúc ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai kiêm luôn chức bí thư Thành ủy Trùng Khánh mà nổi bật là ngăn cản Vương Lập Quân, Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, điều tra hình sự bà Cốc Khai Lai về tội đầu độc doanh nhân Anh Neil Heywood, theo Tài Kinh.
Bản án sẽ không nặng, không nhẹ
Nếu chỉ căn cứ vào số tiền tham nhũng, rất khó đoán biết bản án dành cho ông Bạc Hy Lai. Đơn cử như vụ án Trịnh Tiêu Du, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc, hồi năm 2007. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 6 triệu nhân dân tệ, ít hơn nhiều so với ông Bạc, nhưng đã bị xử tử hình cấp kỳ.
Tờ Đại Công Báo ở Hồng Kông vốn thân tín Bắc Kinh cho biết trên lý thuyết, với các tội danh trên, ông Bạc Hy Lai có thể bị kết 15 năm tù hoặc thậm chí tử hình - theo một vị giáo sư ở Trường ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, Tạp chí Á châu tuần san xuất bản tại Hồng Kông dự đoán bản án sẽ nhẹ hơn bởi trong vụ án gần đây nhất, hôm 8-7, Lưu Chí Quân - cựu bộ trưởng Bộ Đường sắt - ăn hối lộ số tiền gấp đôi họ Bạc nhưng chỉ bị tử hình (treo). Hơn nữa, ông Bạc Hy Lai thuộc "thế hệ hạt giống đỏ thứ hai" giống như ông Tập Cận Bình, là con của các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ đầu cách mạng. Với lý lịch này, khó mà tử hình ông Bạc.
Đạp mạnh "hổ và muỗi" Trước khi Tòa án Tế Nam tiến hành phiên xử vụ án Bạc Hy Lai, các cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc dự báo bị cáo sẽ nhận một "bản án thích đáng". Sau khi thông báo chính thức ngày xử án, trong một bài xã luận, Tân Hoa Xã nhấn mạnh: "Đất nước cần sự ổn định lâu dài nhằm duy trì quyền lực trung ương". Mạng Nhân dân, trang web chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng lưu ý: "Chúng ta đang chứng kiến quyết tâm của chính quyền đạp mạnh những con "hổ và muỗi". Nhân dân Trung Quốc sẽ thấy thời thế đã thay đổi và sẽ có những kết quả cụ thể". |
Bình luận (0)