Hàng loạt các vấn đề liên quan đến việc xây dựng chính sách... trên trời, luật chờ văn bản hướng dẫn, văn bản trái luật, tham nhũng chính sách… được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên chất vấn tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng 20-8.
Đẩy khó cho dân
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết hiện văn bản trái luật đã giảm rất nhiều, các văn bản vi hiến cũng không còn. Tuy nhiên, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng quan điểm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn đẩy khó cho dân. ĐB Hà dẫn chứng quy định xử phạt đối với người không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định hiện còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Văn bản trái luật là sản phẩm của nhà
nước nên nhà nước không bồi thường”. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ô tô và xe máy là nguồn nguy hiểm cao, có thể sử dụng để buôn lậu và những mục đích khác nên việc đăng ký, chuyển đổi quyền sở hữu phải được thực hiện để quản lý. Hiện thẩm quyền xử phạt đặt ở lĩnh vực nào vẫn còn gây tranh cãi, nếu đưa vào nghị định về phí và lệ phí sẽ phức tạp.
“Đây là lĩnh vực chuyển quyền sở hữu thuộc đăng ký phương tiện nên tạm thời đưa vào dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và công an được xử phạt. Tất nhiên Chính phủ sẽ hướng dẫn trường hợp nào sẽ xử phạt” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Sản phẩm của nhà nước nên không bồi thường
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết nhiều cử tri phản ánh tình trạng có tham nhũng chính sách, pháp luật. “Có hay không việc văn bản của các bộ “đá” nhau để bảo vệ lợi ích của bộ mình và có tham nhũng thông qua chính sách?” - ĐB Thuyền chất vấn và cho biết nhiều cử tri mong muốn Bộ Tư pháp đề xuất với Chính phủ trao họ quyền khởi kiện, đòi bồi thường đối với cơ quan ban hành văn bản trái luật, hành dân.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất đầy đủ, chặt chẽ qua nhiều tầng lớp; trừ thông tư và thông tư liên tịch do các bộ ban hành chưa có sự kiểm soát chặt là do quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật. Bộ Tư pháp đang xem xét đề nghị QH sửa đổi.
“ĐBQH nói nhiều về nghị định kinh doanh vàng, xăng dầu, giá than, giá điện,... Chủ trương rất rõ là tiến tới thị trường nhưng lộ trình thế nào để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, chống được lạm phát thì bước đi phải rất chặt chẽ” - bộ trưởng lý giải. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, hiện các nước cũng không đưa vấn đề văn bản trái luật ra tòa án và không quy định nhà nước phải bồi thường bởi đây là sản phẩm của nhà nước.
Không đồng tình, ĐB Thuyền cho rằng nhà nước pháp quyền thì người dân và nhà nước cùng phải tôn trọng pháp luật. Công dân sai thì bị xử phạt, còn nhà nước sai thì có xử phạt, bồi thường không? Lúc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới cho biết sau này khi sửa Luật Tố tụng Hành chính thì có thể nghiên cứu xem người dân có quyền khởi kiện văn bản trái luật hay không.
Không dám khẳng định chuyện lobby
ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) truy vấn: “Có hay không tình trạng các doanh nghiệp tranh thủ cơ chế chính sách để trục lợi, gây thất thoát tài sản của nhà nước?”. Cho rằng chuyện vận động chính sách (lobby) phổ biến ở nước ngoài nhưng khó xảy ra ở Việt Nam nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết đã nghe dư luận nói về việc này. “Còn tôi không dám khẳng định là có lobby hay không” - ông Hà Hùng Cường nói. |
Bình luận (0)