Gặp lại anh, bộ dáng tiều tụy, da nhăn, má hóp sau gần 7 năm “biệt tích giang hồ”, câu đầu tiên tôi được hỏi là “ngã tư quốc tế” bây giờ còn là điểm hẹn của nghệ sĩ thích “tài xỉu” không? Nghệ sĩ T. hỏi vậy bởi một thời anh là thân chủ của sòng bạc này.
Tiêu tan sự nghiệp
Nghệ sĩ K. một thời được xem là danh hài đắt sô nhất của thị trường băng đĩa cả trong và ngoài nước. Các trung tâm băng đĩa hải ngoại tranh nhau trả tiền cát-sê trước cho anh để được thu âm, thu hình các tiết mục có anh tham gia. Nhưng điều trớ trêu là anh lại đam mê cờ bạc. Anh ở hẳn trong nhà chủ chứa. Đến giờ đi diễn, đi quay thì tài xế đưa đi; khi kết thúc công việc, anh lại về với… chiếu bạc. Thời hậu trường sân khấu rộ lên chuyện đại ca Năm Dao cho xã hội đen vào gánh hát để chém nghệ sĩ đòi nợ, anh chính là 1 trong 5 con nợ của tên này. Khi sự nghiệp tiêu tan, có lúc K. đi bán vé số để kiếm tiền sống qua ngày.
Chết trong đói nghèo
Rất nhiều hoàn cảnh không biết nên thương hay lên án. Trong giới ai cũng biết đến cái chết thương tâm của nghệ sĩ B.L. Nghệ sĩ này một thời là kép hát hái ra tiền, sau đó làm bầu gánh hát, từ các đoàn hát cải lương đến những chương trình đại nhạc hội ở các tỉnh. Anh sở hữu một garage rửa xe, 3 căn nhà mặt tiền. Vì nghiện bài bạc, anh đã nướng hết gia sản, sự nghiệp của mình trong ngọn lửa “đỏ đen”. Đến khi không còn một xu dính túi, anh chấp nhận trần mình múa lửa cùng 1 đồng nghiệp để kiếm sống. Khi lìa đời, anh không có người thân bên cạnh, trong túi chỉ còn vỏn vẹn 20.000 đồng.
NSND - soạn giả Viễn Châu kể về một cố nghệ sĩ có giọng ca trầm ấm, đó là Hà Bửu Tân: “Anh này ca hay lắm, giọng da diết. Những năm 1960, chính tôi đã đề nghị Hãng dĩa Việt Nam lăng-xê anh. Nhưng rồi vì mê bài bạc, hút chích mà không thể thăng tiến trên con đường nghệ thuật. Anh chết vào năm 1976 vì chích ma túy quá liều. Khi chết, chỉ có một manh chiếu che thân”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-8
Kỳ tới: Quay đầu là bờ
Bình luận (0)