Theo dự thảo, có 15 loại tài nguyên được đề nghị điều chỉnh mức thuế suất gồm: sắt tăng từ 10% lên 13%; titan tăng từ 11% lên 16%; vàng tăng từ 15% lên 22%; đồng tăng từ 10% lên 15%; cát tăng từ 10% lên 11%; đá, sỏi tăng từ 6% lên 7%; than tăng từ 5%-7% lên tương ứng là 7%-9%...
Dự thảo cũng đề xuất giữ nguyên thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất nước sạch (1% nếu sử dụng nước mặt và 3% nếu sử dụng nước dưới đất). Còn đối với nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác, thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt và 5% nếu sử dụng nước dưới đất. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện, tăng từ 2% lên 4%.
Đa số ý kiến ủng hộ phương án tăng thuế tài nguyên do Chính phủ đề xuất. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, ông Nguyễn Văn Hiện, việc quản lý lỏng lẻo, tầm nhìn vĩ mô rất hạn chế dẫn đến khai thác khoáng sản bừa bãi, bán thô là chính. “Địa phương chạy đua vì lợi ích cục bộ xây sân bay, bến cảng, khai thác khoáng sản là không ổn. Chúng ta bán hôm nay thì ngày mai phải đi mua. Việc tăng thuế là cần thiết để hạn chế khai thác chứ không thể quản lý theo nhiệm kỳ, có gì là bán hết” - ông Hiện nói.
Ông Hiện đề nghị tăng thuế suất vàng cao hơn đề xuất của Chính phủ, có thể tới 25%. Đối với bauxite, cần tăng thuế bằng sắt và đồng (13%-15%) vì đây là vấn đề người dân quan tâm, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng”.
Ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, cho rằng mức đề xuất của Chính phủ là quá cao, có thể gây phản ứng phụ. Đồng tình, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận định: “Doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn và Chính phủ đã phải giảm, giãn nhiều loại thuế. Vì vậy, cần cân nhắc việc tăng thuế tài nguyên hoặc chờ đến thời điểm nền kinh tế ổn định mới tăng thuế”.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, tổng số tiền ngân sách thu được từ tăng thuế tài nguyên vào khoảng 2.000 tỉ đồng song Chủ tịch QH khẳng định không khuyến khích khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên, khoáng sản. “Việc khai thác cần phải được quy hoạch chặt chẽ và khâu quan trọng nhất là cấp giấy phép phải đúng quy định” - ông Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009-2013, đề xuất phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014.
Theo Bộ Tài chính, thuế tài nguyên thu được tăng đều qua các năm: Năm 2009 thu 19.392 tỉ đồng, năm 2010 là 26.014 tỉ đồng, năm 2011 là 39.299 tỉ đồng và năm 2012 là 41.313 tỉ đồng. |
Bình luận (0)