xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Siết chuyển tuyến để giảm tải bệnh viện

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Việc Bộ Y tế muốn áp dụng quy chế chuyển tuyến ngặt nghèo đã làm dấy lên lo ngại chính sách này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo

Ngày 21-8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Chuyển tuyến dễ dãi gây quá tải bệnh viện

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết theo dự thảo, điều kiện để chuyển người bệnh từ bệnh viện (BV) tuyến dưới lên tuyến trên là khi bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh; không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở không đủ điều kiện chẩn đoán và điều trị.
img
Nhiều bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám các bệnh thông thường

Với trường hợp người bệnh chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới là khi được điều trị qua các giai đoạn cấp cứu, tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới hoặc chuyển về tuyến dưới theo yêu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Ngoài ra, theo ông Thái, người bệnh cũng có thể chuyển giữa các cơ sở y tế cùng tuyến khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế đang khám, chữa bệnh hoặc theo nguyện vọng của họ. Bộ Y tế cho rằng việc chuyển tuyến dễ dãi và bệnh nhân thiếu tin cậy bệnh viện tuyến dưới, tập trung dồn lên tuyến trên là nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện.

Trước những thắc mắc về việc chuyển tuyến theo nguyện vọng có được quỹ BHYT chi trả hay không, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết quỹ BHYT chỉ thanh toán toàn bộ chi phí cho những trường hợp chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến hoặc từ tuyến điều trị Trung ương về địa phương. Với những bệnh nhân chuyển tuyến theo nguyện vọng gia đình từ bệnh viện huyện lên tỉnh hoặc Trung ương chỉ được thanh toán 50% hoặc 30% chi phí, còn lại người bệnh phải tự chi trả.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E, cho rằng khi người bệnh hoặc gia đình tự đề xuất chuyển tuyến có nghĩa là ngoài thông lệ, không theo chỉ định của thầy thuốc và như vậy chuyển tuyến là chưa cần thiết, do đó người bệnh sẽ chỉ được bảo hiểm thanh toán một phần viện phí. “Nếu như nguyện vọng của người bệnh là đi nước ngoài chữa bệnh thì sao?” - ông Nghị đặt vấn đề.

Cẩn trọng khi “chuyển ngược” bệnh nhân

Bác sĩ Võ Thị Thanh Sơn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), cho biết theo phân tuyến kỹ thuật do Bộ Y tế quy định, trạm y tế xã phải làm được kỹ thuật siêu âm, đỡ đẻ thường nhưng xã không có máy siêu âm, không có giá đỡ đẻ nên trạm y tế xã phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Cũng theo bà Sơn, người dân cần siêu âm sản khoa đến rất nhiều, xã đã cử 1 bác sĩ đi học về siêu âm nhưng về lại không có máy nên kỹ thuật cũng mai một.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cho biết nếu thực hiện tốt theo dự thảo thông tư thì người bệnh sẽ có lợi vì họ cũng không muốn đi lại vất vả, điều trị tốn kém. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho rằng cần phải thận trọng với việc chuyển ngược bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới vì nếu người bệnh không đồng ý, trường hợp có tai biến do tuyến dưới làm chưa tốt thì BV tuyến trên cũng bị ảnh hưởng.

Đại diện 1 BV tuyến Trung ương nói: “Có thể ca mổ suôn sẻ nhưng về tuyến dưới chăm sóc không đúng kỹ thuật, xảy ra nhiễm trùng, tai biến thì lúc đó, chúng tôi lại giơ đầu chịu báng”.

Ông Lê Văn Phúc cho rằng siết chuyển tuyến là cần thiết bởi BV tuyến Trung ương không nên nhăm nhăm chữa các bệnh như viêm mũi họng, mổ ruột thừa hay đỡ đẻ thông thường. Luật Khám chữa bệnh không cấm BV tuyến Trung ương tiếp nhận và điều trị những bệnh thông thường nhưng quỹ bảo hiểm sẽ chỉ thanh toán giá dịch vụ tương đương với các tuyến dưới. Dĩ nhiên, cơ quan quản lý cũng sẽ có những chế tài để buộc BV không được thu thêm của người bệnh trong trường hợp này.

Cũng theo ông Phúc, để hạn chế vượt tuyến, nhiều nước quy định nếu BV tuyến trên thực hiện kỹ thuật của tuyến dưới thì sẽ phải thu viện phí thấp hơn tuyến dưới cùng kỹ thuật đó. Do vậy, BV tuyến trên sẽ không nhận điều trị bệnh đơn giản, người bệnh chỉ có thể thực hiện ở tuyến dưới.

Chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm

Đó là nội dung công văn gửi các sở y tế vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 21-8. Theo đó, yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành tăng cường việc rà soát, thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong thực hiện các quy định về xét nghiệm. Nội dung kiểm tra thực hiện quy định, quy chế chuyên môn về xét nghiệm phải báo cáo bộ trước ngày 10-9.

“Nếu các bệnh viện tuyến trên còn khám chữa các bệnh thông thường thì nên tự xin tụt từ hạng đặc biệt, hạng I xuống bệnh viện hạng II” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo