xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rành rành dấu tích chủ quyền

Bài và ảnh: PHAN ANH

Tư liệu trưng bày tại triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử với gần 200 bản đồ, văn bản, ấn phẩm... để lại cảm xúc đặc biệt cho người xem

Sáng 22-8, tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử do Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông cùng UBND TP phối hợp tổ chức. Gần 200 bản đồ cùng nhiều tư liệu, văn bản, ấn phẩm khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Khâm phục và tự hào

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều vị lão thành cách mạng vẫn đến xem triển lãm cùng con cháu và ghi lại nhiều dòng xúc cảm.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Ủy viên Ban Liên lạc cựu chiến binh Mặt trận Bình Trị Thiên, dù đã 80 tuổi nhưng vẫn đi từ quận Gò Vấp đến xem triển lãm. “Hồi nhỏ, tôi đã được cha nói về Hoàng Sa, Trường Sa nên khi xem triển lãm, một lần nữa, tôi cảm nhận biển đảo đang ở rất gần. Tôi vô cùng phấn khởi và khâm phục, tự hào về lịch sử khai phá, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông” - ông thổ lộ.

img
Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông và TP HCM nghe giới thiệu các tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa

Tham gia cách mạng từ những năm 1940, ông Thanh cảm nhận rất rõ sự thiêng liêng của các tập bản đồ, tư liệu với những đường nét phác họa 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa in rõ trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đến xem triển lãm còn có các vị khách rất đặc biệt đến từ xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đó là anh Hồ Dương và vợ là chị Trường Thị Liền cùng bé Hồ Song Tất Minh (công dân đầu tiên được sinh ở Trường Sa). “Tôi thật vinh dự khi được đến với triển lãm. Là người đã sống ở Trường Sa, tôi ý thức rất rõ hai tiếng chủ quyền. Giờ được tận mắt xem những tư liệu quý này, tôi xúc động lắm” - chị Liền bày tỏ.

Đầy đủ giá trị pháp lý

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu cũng không khỏi xúc động trước những tư liệu quý được trưng bày.

Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nội dung triển lãm - nguồn tư liệu trưng bày phong phú là do sưu tầm từ trong dân gian và kiều bào. Điển hình là 150 bản đồ và tư liệu chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam của kỹ sư Trần Thắng, một Việt kiều Mỹ. Các bản đồ đều có giá trị pháp lý cao, đảm bảo tính lịch sử và xuất bản từ năm 1626 đến 1980. Trong đó, có 3 cuốn Atlas rất quý đều cho thấy điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa hay Trường Sa.

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết: “Rất tiếc là kỹ sư Trần Thắng không tham dự được triển lãm. Với kỹ sư Trần Thắng, đã là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước cũng đều phải có trách nhiệm giữ gìn đất nước theo cách riêng của mình”.

TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng, một trong những người đã sưu tầm được 56 bản đồ cổ của phương Tây vẽ Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Việt Nam đang được trưng bày tại triển lãm, vui mừng: “Đây là những tấm bản đồ địa lý và hàng hải do người phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến hàng hải, giao thương, truyền giáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó ghi nhận về lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Như vậy, không chỉ có bản đồ của nước ta, của Trung Quốc mà ngay cả phương Tây cũng ghi nhận rất lâu rồi. Tôi rất mừng vì người phương Tây họ làm thì hẳn rất khách quan do không có tranh chấp gì”.

TS Trần Đức Anh Sơn cho biết trên 56 bản đồ cổ của phương Tây vẽ, quần đảo Hoàng Sa luôn được thể hiện bằng hình vẽ ở trong vùng biển Đông của nước ta với kinh tuyến và vĩ tuyến khá chính xác, được ghi danh: Paracel Islands, Paracel, Paracels, Parcel, Parcels, Paracelso... tùy theo ngôn ngữ của từng nước phương Tây. Còn vùng bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, song song với quần đảo Hoàng Sa thì được ghi nhận là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Đó là cách mặc nhiên thế giới công nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ 5 thế kỷ qua.

Hết sức ý nghĩa

Theo ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, thời gian gần đây, tranh chấp ở biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của cả dư luận khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc sưu tầm, thẩm định và công bố các tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là công việc hết sức ý nghĩa.

Triển lãm này một lần nữa khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam; nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước và kiều bào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; giúp bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc, hiểu được nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo