Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngành điện cần đi trước một bước. Trong bài toán năng lượng của nước ta, thủy điện luôn được đánh giá cao vì giá thành tương đối rẻ, năng lượng sạch có khả năng tái tạo, dễ điều chỉnh nên thường được sử dụng để chạy cho bài toán phủ đỉnh trong sơ đồ điện. Bởi thế, hầu hết các công trình thủy điện lớn và vừa đã và đang được khai thác triệt để ở nước ta là điều dễ hiểu.
Những cánh rừng giàu tài nguyên của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin sẽ bị triệt hạ để làm thủy điện Ảnh: CAO NGUYÊN
Một số báo, trong đó có Báo Người Lao Ðộng, vừa đưa thông tin về vụ xẻ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (huyện Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk) để làm dự án thủy điện Ea K’tuor. Dự án này nằm trong quy hoạch dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt và được Bộ Công Thương cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng. Vì vậy, các sở - ngành đồng ý điều chỉnh công suất từ 7,5 MW xuống 5 MW để chủ đầu tư tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Theo Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27-12-2012 quy định về quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện thì công trình thủy điện Ea K’tuor thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ, là quy hoạch xác định các dự án thủy điện có thể đầu tư xây dựng với công suất lắp máy đến 30 MW trong các sông suối, lưu vực sông. Chủ đầu tư - Công ty TNHH Hoàng Nguyên - viện dẫn công trình này nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt là căn cứ những lý lẽ như vậy.
Nhìn chung cả nước, quy hoạch ngành năng lượng rất nhiều nhưng lại rất thiếu: Ngành điện, than và dầu khí đều có quy hoạch riêng nhưng thiếu một quy hoạch tổng thể cho toàn ngành năng lượng. Ở cấp độ địa phương, quy hoạch lại bị chồng chéo, đặc biệt quy hoạch thủy điện nhỏ. Các địa phương cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ vô tội vạ nhằm thu hút vốn đầu tư và thu thuế cho địa phương.
Sự chậm trễ trong tiến độ đưa vào vận hành các công trình điện (nhà máy, đường dây, trạm...), theo các thống kê trong những năm gần đây, gần như 100% các nhà máy điện đưa vào hệ thống chậm hơn một vài năm so với kế hoạch.
Công trình thủy điện Ea K’tuor dù đã được phê duyệt cũng phải cần phải xem xét lại vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, theo các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, Nghị định 29/2011/NÐ-CP và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT; các quy định trong Luật Ða dạng sinh học 2008 và Nghị định 65/2010/NÐ-CP, các quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004... không cho phép xây dựng thủy điện trong vườn quốc gia.
Thứ hai, trong trường hợp kể cả khi cho phép xây dựng thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nghĩa là phải có Ðánh giá Tác động môi trường (ÐTM). Theo yêu cầu của các quy định về ÐTM, đa dạng sinh học là một trong những chỉ số quan trọng nhất của trạng thái môi trường. Theo Nghị định 112/2008/NÐ-CP ngày 20-10-2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, điều 7, mục 4 nêu rõ: "Phương án quy hoạch sử dụng đất chi tiết và kế hoạch sử dụng đất chi tiết phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư các xã ven hồ và chủ đập, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng". Như vậy, kể cả căn cứ vào Luật Ða dạng sinh học cũng như tham vấn cộng đồng, việc UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin không đồng ý cũng đủ điều kiện để bác bỏ dự án thủy điện Ea Ktuor.
Thủy điện mang lại các mặt tích cực đã rõ nhưng "loạn thủy điện" nhỏ không phải đến bây giờ mới được cảnh báo các tác hại của nó. Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề xuất ngưng triển khai mới toàn bộ các dự án thủy điện nhỏ và vừa ở khu vực này vì hệ thống thủy điện nói chung đang tác động rất tiêu cực đến khoảng 26.000 hộ dân nơi đây. Trước đó, hơn 100 dự án thủy điện bất khả thi, chậm tiến độ cũng đã bị loại bỏ, được dư luận đồng tình...
Lợi bất cập hại Ðể giải bài toán năng lượng, trước hết cần những cái đầu lạnh và trái tim nóng của những nhà quản lý. Ðây là bài toán vĩ mô cần có lời giải đồng bộ của nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành năng lượng để có tầm nhìn và quy hoạch phát triển năng lượng chuẩn xác với điều kiện bài bản được tính toán khoa học và thực tế. Từ nay, cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các thủy điện nhỏ đã xây dựng, tổng kết những cái được và mất, những bài học kinh nghiệm để tránh lợi bất cập hại. |
Bình luận (0)