Phát hiện bị ung thư buồng trứng cách đây hơn 1 năm, sau khi phẫu thuật, cứ vài tháng thì bà Mai Thị Lâm (58 tuổi, ngụ Yên Bái) lại phải đến Bệnh viện (BV) K, Hà Nội để khám và điều trị hóa chất.
Gánh nặng viện phí
Trước đây, gia đình bà Lâm thuộc diện cận nghèo nhưng kể từ khi bà mắc bệnh, trong nhà có tài sản gì giá trị đều mang bán để lấy tiền chữa trị. Một năm nay, dù được cấp thẻ BHYT diện nghèo và giảm 95% viện phí nhưng mỗi lần đi Hà Nội chữa trị, bà Lâm vẫn phải mất cả triệu bạc tiền thuốc, chi phí ăn ở.
Chỗ ngả lưng qua đêm của bà Lâm là những dãy ghế ngồi chờ tại khu vực khám bệnh của BV K. “Tiền trọ rẻ nhất cũng 30.000 đồng/đêm, nếu ở 1-2 ngày thì cố gắng được nhưng có những đợt điều trị hóa chất ngoại trú kéo dài cả 10 ngày, làm sao đủ chi phí?” - bà Lâm thở dài. Theo bà Lâm, từ ngày mắc bệnh, bà chưa từng được nhận tiền hỗ trợ đi lại hay ăn uống từ nguồn quỹ nào của địa phương, nếu có chỉ là những suất ăn trưa miễn phí tại BV K.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (38 tuổi, ngụ Phú Thọ) - chạy thận nhân tạo gần 11 năm tại BV Bạch Mai, Hà Nội - cho biết: “Hơn 1 năm trước, khi nghe tin bệnh nhân chạy thận sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, đi lại, chúng tôi mừng lắm. Thế nhưng, từ đó đến nay, những người sống ở “xóm chạy thận” như chúng tôi chưa nhận được khoản hỗ trợ nào. Một số người cũng về hỏi địa phương nhưng câu trả lời đều là chưa có quỹ”.
Theo ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, địa phương này có hơn 250.000 người nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở các vùng sâu, vùng xa. Có nhiều đối tượng thuộc diện được BHYT thanh toán 100% và 95% chi phí khám, chữa bệnh nhưng vẫn không có cơ hội để hưởng quyền ưu tiên của mình. “Hiện nay, một số dự án nước ngoài có hỗ trợ cho người nghèo 15.000 đồng tiền ăn/người/ngày. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có tiền để đến được bệnh viện” - ông Huấn nói.
Hàng trăm ngàn người trông ngóng
Trước đó, tháng 2-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14-2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15-10-2002 về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Với quy định này, đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại những vùng khó khăn, người được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật và đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước, người mắc bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác nhưng gặp khó khăn...
Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 1,8 triệu người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bên cạnh những người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước. Ngoài ra, với một số bệnh hiểm nghèo (tim mạch, ung thư, thận nhân tạo), có khoảng 400.000 người cần hỗ trợ viện phí trong quá trình khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, sau khi có quyết định khôi phục Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo (Quỹ 139), bộ đã yêu cầu báo cáo nguồn quỹ còn hay hết nhưng hiện các địa phương vẫn đang rà soát. Để “thúc” các địa phương nhanh chóng xây dựng nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo, Bộ Y tế đang xúc tiến phê duyệt thông tư liên tịch của bộ này với Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Với quy định này, sở y tế có trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành quỹ theo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh.
Chưa có hướng dẫn Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết hiện nay, BHYT chỉ hỗ trợ chi phí điều trị trực tiếp, còn mục đích của Quỹ 139 là hỗ trợ người bệnh nghèo tiền đi lại, ăn, thêm trong chi phí 5% viện phí đồng chi trả và một số bệnh nặng... “Khi Quyết định 14-2012/QĐ-TTg được ban hành, các địa phương cũng có thể tự cân đối ngân sách, triển khai thành lập quỹ hỗ trợ chi phí y tế cho người dân đi khám, chữa bệnh nhưng có thể do chờ hướng dẫn nên các địa phương vẫn chưa thực hiện” - ông Long nhận định. Theo ông Long, kể cả khi chính thức có thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo thì phải đến đầu năm 2014, các đối tượng nêu trên mới nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ 139. |
Bình luận (0)