Đã 12 giờ trưa nhưng một nhóm công nhân (CN) Xí nghiệp (XN) Thoát nước Bắc Nhiêu Lộc (Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM) vẫn miệt mài đổ bê-tông các trụ đèn chiếu sáng trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh). “Không chỉ làm ngày, chúng tôi còn phải thường xuyên thức suốt đêm để vét cống. Vất vả là vậy nhưng lương chỉ đủ để nuôi gia đình. Đọc thông tin thu nhập “khủng” của lãnh đạo trên báo sáng nay, anh em ai cũng bức xúc” - một CN tên D. than vãn.
Người lao động thiệt đủ đường
Cũng là CN lâu năm như anh D., mức lương bình quân của ông H. đạt từ 7,5 triệu đồng đến 11,5 triệu đồng/tháng, nghĩa là chỉ bằng phân nửa so với mức lương bình quân của người lao động (hơn 25 triệu đồng/tháng) theo kết luận của UBND TP (Báo Người Lao Động ngày 27-8). Sau khi biết thông tin về lương “khủng” của cấp quản lý, đội thi công gồm 12 thành viên của ông H. tỏ vẻ bất bình. Bên cạnh lương thấp, bất công khác theo ông H. là do đặc thù công việc, CN thoát nước thường xuyên phải thi công vào cuối tuần. Thế nhưng, dù làm việc ngày chủ nhật nhưng CN cũng chỉ được chấm công như ngày thường.
Trong ảnh: Công nhân ngành thoát nước đang làm việc. Ảnh: NHƯ PHÚ
Mức lương “khủng” của lãnh đạo công ty cũng là đề tài bàn tán của một nhóm CN Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP HCM (gọi tắt là Công ty CSCC) trong giờ nghỉ trưa. Nhóm CN này lãnh trách nhiệm thi công hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ cầu Bông đến siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh). Anh C., một CN kỹ thuật, chua chát: “Trước đây, tôi có nghe anh em bàn tán về mức lương của lãnh đạo công ty. Giờ biết được sự thật, ai cũng ngỡ ngàng và tủi thân”. Anh C. đã làm việc ở công ty hơn 7 năm, thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Rà soát, chấn chỉnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 27-8, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP, cho biết sẽ thu hồi toàn bộ tiền lương chi sai. Ông Sơn cũng thừa nhận công ty có sử dụng 300 lao động thời vụ, chủ yếu làm việc theo các công trường ở các tỉnh. Công ty đang cho các bộ phận liên quan rà soát và giao kết hợp đồng đúng quy định với số lao động nói trên theo chỉ đạo của UBND TP.
Liên quan đến quyền lợi của số đông CN, Công đoàn (CĐ) Sở Giao thông Vận tải TP, xác nhận đã có cuộc họp, yêu cầu chủ tịch CĐ cơ sở tại 5 doanh nghiệp (DN) chủ động phối hợp với người sử dụng lao động rà soát việc giao kết hợp đồng lao động với số CN thời vụ. “Nếu phát hiện sai sót trong giao kết hợp đồng lao động, CĐ cơ sở phải góp ý với DN để chấn chỉnh, bảo đảm quyền lợi người lao động và không để xảy ra tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trong nội bộ DN” - bà Vũ Thị Ngoãn, Chủ tịch CĐ Sở Giao thông Vận tải, cho biết .
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP đang đôn đốc các đơn vị liên quan báo cáo để sở kết luận. Trong vòng 10 ngày sau khi kết luận, thanh tra sẽ ban hành quyết định xử phạt. Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH, cho biết: “Chắc chắn số tiền phạt chẳng thấm vào đâu so với số tiền buộc truy thu. Thanh tra sở sẽ theo dõi việc khắc phục hậu quả của các đơn vị nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và tiếp tục báo cáo UBND TP”.
Phải bảo đảm quyền lợi công nhân Theo kết luận của UBND TP HCM, Công ty CSCC phải thu hồi toàn bộ hơn 2,5 tỉ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định của năm 2011; đồng thời tự kiểm tra để phát hiện các khoản chi sai những năm trước 2011 và thu hồi. Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP cũng bị yêu cầu thu hồi 3,2 tỉ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định năm 2011. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho rằng việc các DN ký hợp đồng mùa vụ với lao động thường xuyên, kể cả ký hợp đồng có thời hạn với lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn là vi phạm pháp luật lao động. LĐLĐ TP đã chỉ đạo CĐ Sở Giao thông Vận tải TP, lưu ý các CĐ cơ sở tại các DN có liên quan góp ý DN chấn chỉnh và khắc phục sai phạm nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động. |
Bình luận (0)