Mạng người sao rẻ thế?
Bạn đọc Trần Oi, chia sẽ: Ở nước ta bấy lâu nay bỗng dưng hình thành một loại “luật” bất thành văn: Luật làng. Trộm chó có thể đổi mạng và thực tế đã có khá nhiều người bị xử theo “luật” này. “Luật” sai thì đã rõ, nhưng nó lại được lập ra và thi hành với sự đồng thuận của rất nhiều người dân không chỉ trong làng có xảy ra trộm chó. Tâm lý đám đông này thật nguy hiểm vì nó sẽ không dừng lại ở việc xử lý trộm chó. Đây là vấn đề xã hội lớn mà những nhà lập pháp cần phải suy nghĩ.
Ngay cả nhiều bạn đọc khi bày tỏ ý kiến về vấn đề này cũng rất hả hê. Bạn đọc Cư Cội, nói thẳng: “Mấy kẻ này đúng là đánh chết không chừa. Bao nhiêu vụ trộm chó bị đánh chết dã man, báo chí, dư luận đã lên tiếng cảnh báo nhiều nhưng trộm chó vẫn lộng hành. Nỗi bức xúc của người dân có thể hiểu được và cho đến lúc này luật pháp cũng chưa có cách xử lý triệt để nạn trộm chó. Chỉ khi nào pháp luật xử nghiêm kẻ trộm chó để có thể ngăn được hành vi này thì người dân mới thôi dùng “luật rừng”.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác cho rằng không nên a dua theo tâm lý tàn bạo. Nói gì thì nói, không thể nhân danh bất cứ điều gì để tước đoạt mạng sống của người khác.
Bạn đọc Thanh Tâm, phân tích: “Nếu ai đó đồng ý với việc đánh chết kẻ trộm chó thì hãy suy nghĩ lại: mạng một con người trong việc này sẽ tính sao? Họ cũng có gia đình, con cái, anh em… chỉ vì hành vi trộm chó mà bị đánh đến chết thì còn gì là luật pháp. Thử đặt trường hợp người trộm chó là anh em hoặc họ hàng của mình thì tôi tin rằng những người muốn đánh chết người trộm chó sẽ nghĩ lại. Mặt khác, không hẳn những người tham gia vụ “trừng phạt” đều đã bị mất chó, mà có khi họ chỉ nhân chuyện này để thỏa mãn nỗi bức xúc cá nhân mà thôi”.
Không đơn thuần là trộm
Biết là đánh người trộm chó đến chết là hành vi dã man nhưng sao lại có nhiều người đồng tình với việc này quá vậy? Nhiều bạn đọc cho rằng những người trộm chó không đơn giản như những kẻ trộm khác. Họ sẵn sàng manh động nếu bị phát hiện và không ngần ngại “xuống tay” với người truy đuổi.
Bạn đọc Tấn Thành, nói thẳng: “Ai từng bị trộm chó hẳn sẽ hiểu không thể không bất bình với những người trộm chó. Người trộm chó bỏ thuốc độc giết con chó của tôi. Khi tôi phát hiện, đuổi theo thì người này dùng thuốc độc ấy quăng thẳng vào mặt tôi. Rất may là tôi đã kịp đến bệnh viện cấp cứu, chứ không thì đôi mắt của tôi có thể sẽ bị mù”. Cùng tâm trạng này, bạn đọc Cao Thúy, kể: “Chó của tôi bị chúng bắn điện. Khi tôi chạy đến ôm lại con chó của mình thì chúng chỉ mặt tôi, quát: “Đi chỗ khác, muốn ông chích cho một phát đi theo con chó à”. Từ đó tôi không bao giờ muốn tha thứ cho bất cứ ai trộm chó”.
Bạn đọc Dân Nghi, cho rằng: Bị mất tiền, mất xe cũng không thể tiếc bằng mất chó cưng. Trong vòng 3 tháng qua, tôi bị bọn cẩu tặc "luộc" mất 3 con chó cưng. Nói thật tôi luôn xem chó như người bạn thân trong gia đình. Tôi mua chúng khi đưa con trai của tôi vừa ra đời với ý nghĩa như một sự cầu mong cho con mình hiền lành, gần gũi với mọi người. Mất chúng, con trai tôi giờ đã 5 tuổi ngồi thẫn thờ suốt ngày. Đó là người bạn thân nhất của con trai tôi và tôi sẽ hành động như thế nào nếu bắt được người trộm chó?”.
Bạn đọc tên Hoàng, chia sẻ: “Chỉ vì trộm chó mà đánh chết người là quá đáng! Tuy nhiên, nhà tôi vừa mới bị bọn "cẩu tặc" thuốc chết cùng lúc 2 chú chó cưng. Nhìn 2 con vật cưng run rẩy rồi tắc thở, ruột tôi đau thắt, cả nhà cùng òa khóc mới thấy được vì sao mọi người lại ghét "cẩu tặc" đến thế”.
Đừng vội trách người dân “Ai cũng biết trộm chó là hành vi không thể chấp nhận nhưng cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn ngừa. Thịt chó bán tại các quán hầu hết là thịt chó trộm nhưng không có cấp chính quyền nào đề ra giải pháp kiểm soát nên thịt chó lậu cứ mặc sức tung hoành, kích thích lòng tham của cả người đi trộm và người bán thịt. Ở nông thôn, con chó không chỉ là bầu bạn mà còn là “người” bảo vệ của cả gia đình giữa đêm đen, giữa vườn tược mênh mông... Mất chó là mất tiền, là mất bạn, là mất đi một con mắt bảo vệ... Mất chó ai mà không tức? Đừng vội trách người dân sao manh động, những người trộm chó sao liều lĩnh… Những vấn đề như thế này luôn xảy ra trong đời sống. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải xem đây là trách nhiệm và có giải pháp căn cơ để giải quyết” – bạn đọc Thanh Bình, phân tích.
|
Bình luận (0)