Kiến nghị của UBND quận 5 với UBND TP giao Công ty Dịch vụ Công ích (DVCI) của quận làm chủ đầu tư các dự án có tổng vốn dưới 500 tỉ đồng, dự án có tổng vốn trên 500 tỉ đồng cho phép đơn vị này hợp tác với các tổ chức kinh tế có năng lực để thực hiện pháp nhân mới.
Chung cư 727 Trần Hưng Ðạo, quận 5 đã xuống cấp trầm trọng Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Cho phép liên doanh
Hiện nay, Công ty DVCI quận 5 đang hợp tác đầu tư xây dựng bốn dự án trên cơ sở cải tạo, khai thác các chung cư cũ: Dự án xây dựng chung cư 402 Hàm Tử (phường 5) và cao ốc văn phòng số 727 Trần Hưng Ðạo (phường 1) có tổng vốn đầu tư 1.738 tỉ đồng, Công ty DVCI góp 20% vốn. Dự án trung tâm thương mại - chung cư Soái Kình Lâm có tổng vốn đầu tư 823 tỉ đồng, Công ty DVCI góp 20% vốn. Dự án khu liên hợp nhà ở - văn phòng thương mại Tản Ðà - Hàm Tử có tổng vốn đầu tư 1.040 tỉ đồng, Công ty DVCI góp 10% vốn. Dự án trung tâm thương mại - giải trí - văn phòng 107- 107 B Trần Hưng Ðạo (phường 6) có tổng vốn đầu tư 490 tỉ đồng, Công ty DVCI góp 10% vốn.
Như vậy, tổng vốn góp của Công ty DVCI trong 4 dự án nói trên lên đến 665,2 tỉ đồng (cả vốn chủ sở hữu và vốn vay). Tuy nhiên, vốn điều lệ hiện tại của Công ty DVCI quận 5 chỉ có 90,7 tỉ đồng. Qua đó cho thấy Công ty DVCI quận 5 không đủ năng lực để thực hiện đồng thời các dự án.
Chính vì vậy, UBND quận 5 và Công ty DVCI quận 5 đề xuất UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư thành lập hai pháp nhân mới để thực hiện hai dự án xây dựng chung cư 402 Hàm Tử và cao ốc văn phòng số 727 Trần Hưng Ðạo (phường 1); dự án trung tâm thương mại - chung cư Soái Kình Lâm. Các pháp nhân này được thành lập trên cơ sở liên doanh, trong đó Công ty DVCI quận 5 đóng góp 20% vốn điều lệ. Ðồng thời, giao UBND quận 5 phối hợp với các sở ngành xem xét năng lực các pháp nhân mới, có cam kết và biện pháp chế tài trong trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ðối với dự án khu liên hợp nhà ở - văn phòng thương mại Tản Ðà - Hàm Tử và dự án trung tâm thương mại - giải trí - văn phòng 107- 107 B Trần Hưng Ðạo (phường 6), quận 5 kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Công ty DVCI thoái vốn để tập trung đầu tư hai dự án trên. Ðồng thời, giao UBND quận 5 tổ chức đấu thầu lựa chọn năng lực tiếp tục thực hiện dự án. Sở Tài chính đã thống nhất phương án của UBND quận 5 đối với bốn dự án trên.
Chính sách thoáng
Theo Sở Tài chính, việc cải tạo các chung cư cũ cần thiết phải tạo quỹ nhà để cơ bản đáp ứng được việc bố trí tái định cư (TÐC) trên cùng địa bàn quận. Phương án này đã được UBND quận 10 thực hiện theo từng dự án và đạt được kết quả khá tốt trong thời gian qua. Sở Tài chính cũng trình UBND TP một số cơ chế tài chính trong việc xây dựng các chung cư xuống cấp trên cơ sở thống nhất của các đơn vị. Nhà đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, được miễn thuế trong 4 năm (kể từ khi có thu nhập chịu thuế) và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, diện tích nhà ở phục vụ TÐC tại chỗ không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Về việc bố trí TÐC, UBND quận 5 kiến nghị các dự án có tỉ lệ bố trí TÐC tại chỗ lớn hơn 30%-40% quy mô dự án thì chủ đầu tư được hỗ trợ bố trí số căn TÐC còn lại từ quỹ nhà TÐC tạo ra từ các dự án kinh doanh khác. Các tổ chức, cá nhân thuộc diện TÐC trong dự án xây dựng chung cư cũ không phải nộp lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
UBND TP HCM đã giao Sở Tài chính nghiên cứu mở rộng, xây dựng cơ chế tài chính chung cho chương trình cải tạo chung cư cũ trên toàn TP. |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!