Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Ðộng chiều 30-8, ông Mai Thanh Dung - Cục trưởng Cục Thẩm định và Ðánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - cho biết Công ty CP Tập đoàn Ðức Long Gia Lai vừa có công văn xin rút lại hồ sơ thẩm định đánh giá tác động môi trường (ÐTM) 2 dự án thủy điện Ðồng Nai 6, 6A để xem xét bổ sung.
Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi đang dự định xây 2 thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A Ảnh: THU SƯƠNG
Không hiệu quả thì nên loại bỏ
Theo ông Dung, sau khi nhận văn bản, Bộ TN-MT đã dừng công tác thẩm định và trả hồ sơ ÐTM 2 dự án này. Hiện nay chưa thể khẳng định chủ đầu tư có rút khỏi 2 dự án này không. "Việc rút lại hồ sơ là quyền của chủ dự án, Bộ TN-MT chỉ có nhiệm vụ kiểm định ÐTM. Còn có rút khỏi dự án hay không thì chủ dự án không phải thông qua Bộ TN-MT mà đề xuất để Chính phủ quyết định" - ông Dung nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng cho rằng 2 dự án thủy điện trên phá tới trên 300 ha rừng nên phải trình Thủ tướng, sau đó đưa ra Quốc hội xem xét và biểu quyết. "Bất kỳ bộ, ngành nào cũng không có quyền hạn trong việc này" - ông Ngãi nhận định.
Theo ông Ngãi, trước đây đã rộ lên phong trào làm thủy điện nhưng mục đích thực sự là để phá rừng. Sau đó, các chủ đầu tư sẽ rao bán các dự án này, đơn cử như Hoàng Anh Gia Lai đã công bố bán được 6 dự án. Ðiều này đã tạo ra một cuộc tháo chạy của chủ đầu tư đối với một loạt các dự án thủy điện. "Ðến năm 2017, thủy điện gần như hết tiềm năng, không được làm tiếp nữa. Mới đây đã loại bỏ đến 338 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Với các dự án còn lại, nếu không hiệu quả mà còn xâm hại đến rừng quốc gia thì cũng nên loại bỏ luôn, không cho làm nữa" - ông Ngãi đề nghị.
"Cá biệt"
TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, thành viện Hội đồng Thẩm định ÐTM dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A - cho biết đã được mời dự khá nhiều hội đồng thẩm định ÐTM nhưng trường hợp sửa tới, sửa lui nhiều lần thì ông chưa gặp bao giờ. "Tôi đã đọc cả ba lần ÐTM của hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A. Về cơ bản, ÐTM lần 3 không khác lần 2, có chăng chỉ là dùng nhiều tiểu xảo như: giảm số lượng thuốc nổ hay làm mờ các hạng mục để giảm bớt tác động tiêu cực. Tuy nhiên, bản chất của các tác động này là không thể bù đắp nên dù chủ dự án có chỉnh sửa bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn không tìm ra giải pháp. Do đó, ÐTM không đạt chất lượng".
Theo PGS-TS Lê Trình, Chủ tịch Hội Ðánh giá tác động môi trường Việt Nam, việc ÐTM chưa làm rõ nhiều vấn đề, có thể là do đơn vị thực hiện thiếu thông tin, kinh phí thấp... bởi bản chất ÐTM là đoán trước những điều chưa xảy ra. Quy định hiện nay cũng không giới hạn số lần chủ dự án chỉnh sửa ÐTM.
Tuy nhiên, ông Trình khẳng định cho dù ÐTM được thông qua thì ông vẫn phản đối việc thực hiện 2 dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A. Thứ nhất, về pháp lý, 2 dự án được xây dựng trong Vườn Quốc gia Cát Tiên - nơi đang làm nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học - là vi phạm Luật Ða dạng sinh học. Thứ hai, những tác động kèm theo không bao giờ được lượng giá hết. Ví dụ, thủy điện Trị An cam kết chỉ mất 200 ha rừng nhưng thực tế con số lên đến hàng ngàn.
Sự yếu kém của đơn vị thực hiện TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội Ðánh giá tác động môi trường Việt Nam, cho biết Thông tư 26 của Bộ TN-MT chỉ quy định cơ quan nhà nước được yêu cầu đơn vị báo cáo ÐTM chỉnh sửa một lần nhưng không quy định các doanh nghiệp được chỉnh sửa bao nhiêu lần. "Cần khống chế số lần chỉnh sửa để đơn vị thực hiện ÐTM tập trung, nghiêm túc hơn, tránh làm mất thời gian của cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Ở khía cạnh nào đó, việc chỉnh sửa ÐTM nhiều lần cũng phản ánh sự yếu kém của đơn vị thực hiện" - ông Kinh nói. |
Bình luận (0)