Khoản trợ cấp nêu trên được tính theo công thức: Lương hưu hằng tháng nhân 10% nhân số năm được tính trợ cấp. Trong đó, lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm quyết định này có hiệu lực. Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy đã được tính để hưởng chế độ hưu trí.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, cho hay với mức lương hưu khoảng 6 triệu đồng x 10% x 30 năm công tác, khoản trợ cấp mà ông nhận được khoảng 18 triệu đồng - quá ít ỏi. Theo ông Lâm, trong khi các nhà giáo nghỉ hưu sau ngày 31-5-2011 được hưởng phụ cấp thâm niên hằng tháng (số tiền có thể lên tới cả trăm triệu đồng) thì người về hưu trước đó vài tháng chỉ được nhận khoản phụ cấp trên dưới 10 triệu đồng là quá thiệt thòi.
Nhận xét về mức trợ cấp này, GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - nói ngắn gọn: "Buồn và tủi thân". GS Hạc cho biết ngay trong sáng 4-9, hội sẽ có cuộc họp về vấn đề này và có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.
Khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 5-2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Hội Cựu giáo chức Việt Nam từng nhiều lần đưa ra các phương án giải quyết phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Trong lần đầu tiên, hội đưa ra 3 phương án: Đề nghị được hưởng phụ cấp thâm niên như giáo viên đương chức, mức phụ cấp 30% (tương đương 30 năm công tác); thực hiện chế độ trợ cấp như Nghị quyết 21, bình quân mỗi giáo viên nhận 45 triệu đồng, nếu ngân sách nhà nước khó khăn thì có thể chi trả trong 3 năm. Phương án 3, nếu mỗi năm công tác, giáo viên được nhận 1/3 tháng lương, bình quân mỗi người nhận 30 triệu đồng, có thể chi trả trong 3 năm.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng nếu thực hiện "hồi tố" chế độ phụ cấp thâm niên theo mức tương ứng như quy định tại Nghị định 54/2010/NĐ-CP (sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm tiếp đó hưởng thêm 1%) thì kinh phí phải chi trả sẽ rất lớn (khoảng 1.600 tỉ đồng/năm), vượt quá khả năng ngân sách nhà nước.
Trước quan điểm của Bộ GD-ĐT, tháng 3-2013, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã nhất trí rút tỉ lệ tính trợ cấp còn 20% thay vì 25%. "Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT tiếp tục đề nghị giảm xuống 15% vì kinh tế khó khăn và chúng tôi cũng chia sẻ. Theo tôi biết, văn bản được các bộ thống nhất là 15% nhưng cuối cùng, Bộ GD-ĐT trình lên Thủ tướng lại chỉ ở mức 10%" - GS Phạm Minh Hạc cho hay. Theo ông, đây là mức trợ cấp khó có thể chấp nhận.
Bình luận (0)