Sáng 8-9, HĐND phối hợp Đài Truyền hình TP HCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” tháng 9 với chủ đề: “Xây dựng chính quyền đô thị - Yêu cầu từ thực tiễn”. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, điều hành chương trình.
Tổ chức Đảng gắn với chính quyền
Ông Trương Văn Nghĩa, cử tri quận Bình Tân, nói: “Thành phố đang trong quá trình phát triển nên việc thành lập mô hình chính quyền đô thị là rất cần thiết vì mục tiêu chính quyền đô thị hướng đến là làm sao phục vụ tốt nhất cho người dân. Tôi đồng tình và hưởng ứng đề án này”.
Cử tri Ma Văn Mi, ngụ huyện Nhà Bè, cho biết rất kỳ vọng chính quyền đô thị ở TP HCM sẽ ra đời, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị nói chung và chính quyền nói riêng để TP HCM trở thành một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. “Tôi rất mừng khi nghe các vị cử tri phấn khởi, đồng tình khi nói về mô hình chính quyền đô thị. Điều đó chứng tỏ ý Đảng đã hợp với lòng dân, khó khăn gì chúng ta cũng đồng lòng, đồng sức vượt qua” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Tuy nhiên, không ít cử tri băn khoăn với mô hình chính quyền đô thị, tổ chức Đảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân sẽ được tổ chức, hoạt động như thế nào để phát huy được cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ. Làm rõ vấn đề này, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo nhà nước; còn về mặt tổ chức, nơi nào có đơn vị hành chính thì nơi đó vẫn có tổ chức Đảng. Ở quận, huyện, phường, xã vẫn có Đảng bộ; 4 thành phố “vệ tinh” vẫn có tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể gắn liền với tổ chức Đảng. “Nói tóm lại, quận, huyện, phường, xã và 4 thành phố trực thuộc vẫn có tổ chức Đảng, đoàn thể nhưng chức năng, nhiệm vụ tùy theo tính chất nơi có chính quyền, nơi có ủy ban hành chính mà hoạt động” - ông Lắm cho biết.
Trải thảm đỏ đón nhân tài
Một điểm khác mà cử tri lo lắng là mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. “Người dân băn khoăn nhiều lắm. Mục tiêu của mô hình có nhằm phục vụ dân là chính hay không? Vừa qua, một số cơ quan công quyền phạt dân xong rồi trích tiền phạt này để bồi dưỡng cho mình, làm như thế dễ gây cho người dân ngộ nhận bản chất của nhà nước ta. Đề nghị TP rà soát lại cái nào còn vướng thì mạnh dạn bãi bỏ, có như vậy thì mô hình chính quyền đô thị mới thật sự của dân, do dân và vì dân” - cử tri Trần Đức Vượng, ngụ quận 8, nói.
Ông Vượng cho rằng nếu xác định chính quyền là của dân, do dân và vì dân thì không thể để cơ quan dân cử hoạt động èo uột được. “Cần có giải pháp và đổi mới từ chất lượng của đại biểu đến phương pháp hoạt động và phải họp nhiều thì mới giải quyết được các vấn đề. Một năm có 2 kỳ thì không thể nào giải quyết được các bức xúc mà thực tiễn đặt ra” - ông Vượng nhận định.
Cử tri Đặng Thị Được, ngụ huyện Hóc Môn, mong muốn TP có kế hoạch đào tạo, tuyển chọn nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực cũng như chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là những người tâm huyết để đảm đương nhiệm vụ trong mô hình chính quyền đô thị. Cử tri Trần Thị Anh Thư, ngụ quận 2, kỳ vọng bộ máy quản lý từ trên xuống dưới đều tinh, gọn, nhẹ và cán bộ, công chức có thái độ phục vụ nhân dân tốt hơn. Bên cạnh đó, TP cũng cần có chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài, thu hút đội ngũ cán bộ. Về vấn đề này, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, thành viên Ban Soạn thảo đề án chính quyền đô thị, cho biết: “Một trong những mục tiêu của đề án là xây dựng chính quyền gần dân và nhất là thủ tục “không hành dân” như chúng ta thường hay nói. Xa hơn nữa là trong một năm, người dân không cần đến phường lần nào”.
Người dân phải làm gì? Đây là câu hỏi được nhiều cử tri đặt ra tại chương trình và được bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cao vì nó thể hiện trách nhiệm của cử tri đối với sự phát triển của thành phố. Cư tri Đặng Thị Được (ngụ huyện Hóc Môn) đặt vấn đề: “Để chính quyền đô thị phát huy được mặt mạnh, điểm mới, hiệu quả quản lý thì chính quyền có yêu cầu gì đối với người dân cũng như là nghĩa vụ của người dân đối với chính quyền? Vì muốn cho bộ máy của chính quyền đô thị được vận hành tốt thì phải có sự tương tác giữa hai bên”. Bà Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng trước hết phải đoàn kết, tạo sự đồng thuận để cùng nhau thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước để phát triển thành phố cũng như cùng với cơ quan dân cử thực hiện chức năng giám sát. “Tôi rất tin tưởng người dân sẽ có nhiều sáng kiến, cải tiến để xây dựng thành phố ngày càng phát triển” - bà Dung nhấn mạnh. |
Bình luận (0)