Hàng chục ngàn người đọc
Thông tin vụ cướp ghê rợn trên được đẩy lên mạng xã hội Facebook có kèm theo tấm hình chụp 2 bảo vệ khiêng một người vào lề đường. Chủ nhân bản tin khẳng định tận mắt chứng kiến vụ việc lúc 22 giờ ngày 31-8, tại ngã sáu Phù Đổng, 1 phụ nữ tấp xe máy vào lề nghe điện thoại đã bị 2 thanh niên đi xe Wave đỏ dùng mã tấu chặt rớt tay để cướp điện thoại iPhone. Bảo vệ một quán cà phê gần đó đã nhặt bàn tay ướp vào nước đá rồi chở nạn nhân đi cấp cứu.
Chỉ sau vài giờ, bản tin được đăng đã có hàng chục ngàn lượt like và share (chia sẻ). Khi công an vào cuộc, chủ nhân đã rút bản tin xuống nhưng thông tin này được sao chép và đăng tràn lan trên các diễn đàn trước đó, gây hoang mang dư luận.
Một nữ sinh THPT tại TP HCM đã đăng lên Facebook tin cô bị một nhóm người đồng tính ép xe, dùng vật nhọn cào nát tay rồi bỏ chạy. Cô cũng cho biết ông chủ tiệm thuốc tây ở quận Bình Thạnh khẳng định đã nhiều người bị gây thương tích như vậy, bất kể nam nữ, sự việc thường diễn ra từ 20 giờ trở đi. Thông tin trên ngay lập tức được hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận.
Vẽ nên một bức tranh tồi tệ về đạo đức xuống cấp, xã hội nhiễu nhương, chủ một trang Facebook kể một câu chuyện gặp họa vì lòng tốt xảy ra trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, quận 2. Theo đó, khi đang đi, tác giả được 1 bé gái bế em xin đi nhờ. Do 2 cháu bé không có nón bảo hiểm, tác giả từ chối. Sau đó, một phụ nữ cho 2 bé gái lên xe. Vừa đi được một đoạn, chị này bị 2 người xông đến đánh đập, vu khống bắt cóc rồi cướp xe máy. Công an phường Bình Trưng Đông và Công an quận 2 cho biết đã đi xác minh nhưng không có vụ cướp táo tợn nào xảy ra tại khu vực đó, cũng không có phụ nữ nào đến trình báo vụ việc.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP HCM), hiện nay việc truy cập và đọc thông tin trên mạng rất dễ dàng và thuận lợi cũng là cơ hội cho tin đồn thất thiệt được phát tán rộng và nhanh. Đưa tin thất thiệt lên mạng trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng rất xấu đến dư luận xã hội, tác động trực tiếp đến tâm lý người dân, gây mất niềm tin vào chính quyền trong việc quản lý trật tự xã hội. Hành vi đó vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý nghiêm.
Cụ thể, hành vi đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân bị cấm theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, điều 24 Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Nếu việc tung tin đồn có thể gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản của một tổ chức, cá nhân cụ thể, tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện người tung tin đồn ra TAND để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do tin đồn gây ra theo quy định tại điều 604 và điều 611 Bộ Luật Dân sự, theo nguyên tắc bồi thường đầy đủ và kịp thời quy định ở điều 605 Bộ Luật Dân sự.
Thể hiện tâm lý bất ổn TS Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhận định: “Việc tung tin thất thiệt tạo ra một xã hội rối loạn, người dân hoang mang. Chính những thông tin bịa đặt trên thế giới ảo đã góp phần làm cho con người chai sạn lòng trắc ẩn, luôn sống trong hoài nghi... Những thông tin không tốt này ảnh hưởng và tác động rất lớn đến cuộc sống, làm thay đổi những thang giá trị của con người”. Theo ông Vỹ, ngoài mục đích thương mại (buôn bán like, câu view...), phần lớn những người tung tin không có thật thường có dấu hiệu của sự bất ổn về tâm lý, tinh thần lệch lạc, muốn nhiều người biết đến hoặc muốn được nổi tiếng. |
Bình luận (0)