“Gọi giấc mơ về” cho phim
Năm 2005, khi phim Việt bắt đầu giờ vàng cũng là lần đầu tiên Đặng Thanh làm “bà đỡ” với vai trò tác giả kịch bản Việt hóa của phim Vòng xoáy tình yêu. Đây là kịch bản phim Thái Lan được ông Trần Minh Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Latsata, Giám đốc Hãng phim Lasta - mang về Việt Nam. “Kịch bản phim Thái cực kỳ tốt, đường dây, tình huống những nút thắt mở đều được sắp xếp hợp lý, kịch tính. Mỗi tập phim đều có những cao trào thu hút người xem. Đó là bộ phim tôi ấn tượng nhất từ trước đến giờ, mỗi khi ra đường nghe khán giả bàn tán xôn xao như một hiện tượng, tôi thấy mình thật may mắn khi vào nghề đã được tiếp cận ngay với một kịch bản có giá trị nền tảng” - nhà biên kịch Đặng Thanh nhớ lại.
Khi ấy, chị vốn là người phụ trách kịch bản cho chương trình Chuyện không của riêng ai của Hãng phim Lasta. Nhưng cơ duyên từ Vòng xoáy tình yêu đã khiến chị bước vào nghề biên kịch. Sau đó, chị cũng là người đã chăm chút cho kịch bản phim Gọi giấc mơ về - bộ phim về tuổi học trò hiếm hoi trở thành hiện tượng, làm nên tên tuổi cho diễn viên Minh Hằng - Huỳnh Đông - Ngân Khánh; sau này là Đồng hồ cát, Hoa ngũ sắc… Thành công của chị còn có thể kể đến là kịch bản phim Cổng mặt trời, chị lên ý tưởng rồi giao cho các cây bút trẻ hoàn thành, tạo nên một bộ phim chinh phục được khán giả trẻ. Cổng mặt trời từng lọt vào tốp 5 đề cử Giải Mai Vàng 2010 và là phim truyền hình hay nhất trong năm do diễn đàn điện ảnh bình chọn.
Hàng chục kịch bản phim truyền hình qua tay Đặng Thanh hầu hết đều là những bộ phim chinh phục được khán giả. Phim về tuổi học trò, tình cảm tâm lý, hình sự, phim Việt hóa…, chị đều có cách xử lý riêng. Có kịch bản phim, chị lên ý tưởng rồi hợp tác cùng nhóm viết, cũng có kịch bản chị tự mình hoàn thành. Từ Giấc mơ cổ tích về bi kịch trẻ mồ côi đến hình ảnh người điên của phim Vòng tay ấm, gần đây nhất là Đi qua dĩ vãng với một hiện thực xã hội trần trụi của những toan tính giả trá và bế tắc... Mỗi phim là một lát cắt chinh phục khán giả màn ảnh nhỏ. Phim có thể không phải quá đình đám nhưng khán giả hiếm khi “bắt giò”, khó chịu về cái gọi là sự vô lý, khiên cưỡng trong phim.
Nhiều tham vọng
Hỏi chị có “chiêu” gì, Đặng Thanh nói vui rằng có lẽ những năm tháng làm phóng viên tập sự ở VTV đi quay phóng sự khắp các tỉnh miền Tây, học văn và cả xã hội học nên có đủ yếu tố văn chương và tư duy “phân tích xã hội, phân tích con người”. Nhưng quan trọng là lòng yêu nghề, chị có thể viết liên tục 3 ngày 3 đêm cho một đề cương chi tiết thành một kịch bản phim tâm đắc.
Gần 10 năm gắn bó với nghề biên kịch như một duyên may, Đặng Thanh nói chị luôn muốn làm phim nghệ thuật: “Lỗ cũng được, vất vả cũng được nhưng được thỏa sức làm cho đến cùng điều mình ấp ủ, tâm huyết thì thật hạnh phúc”. Và chị đã có cơ hội “làm cho tới” với phim ngắn 90 phút Tâm bão (sẽ là một trong loạt phim ngắn do VTV đầu tư, phát sóng sau bộ phim Người cộng sự trong tháng 10 tới).
“Tôi đang có tham vọng viết kịch bản phim về cải lương, phân tích thật thấu đáo và thấy rõ những chuyển biến qua thời kỳ vàng son cho đến bây giờ. Đó là cả một sự chuyển động của xã hội. Trong đầu tôi vẫn nhớ hoài câu nói của một nhân vật nổi tiếng: “Hãy kể cho anh nghe những giấc mơ” - câu nói dành cho những ai chọn nghề viết và đi suốt hành trình. Trong đầu tôi có rất nhiều những câu chuyện muốn kể, đó có thể không phải là những giấc mơ nhưng là những gì tôi nhìn thấy, nhận diện từ cuộc sống mênh mông này” - nhà biên kịch Đặng Thanh chia sẻ và cho biết thêm trong năm 2013, nhiều kịch bản phim của chị sẽ tiếp tục được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ.
Bình luận (0)