Ngày 9-9, gần 100 hộ dân ở thôn Phú Khê 1, xã Hòa Xuân Ðông, huyện Ðông Hòa, tỉnh Phú Yên đồng loạt phản ứng khi đến nhận tiền hỗ trợ sản xuất lúa nhưng bị xã khấu trừ các khoản đóng góp mà người dân còn nợ. Nhiều người bỏ về, không ký giấy nhận tiền.
Nhiều người bức xúc trước việc tiền hỗ trợ trồng lúa bị xã trừ nợ
Cơ hội... trừ nợ!
Bà Nguyễn Thị Luyến cho biết gia đình bà có 3 nhân khẩu, trồng 7 sào lúa (mỗi sào 500 m2 ). Nghe hàng xóm rủ đến xã nhận tiền hỗ trợ, bà mừng trong bụng. Khi đến lượt, người phát tiền hỗ trợ liệt kê bà còn nợ hơn 10 khoản đóng góp. Như vậy, trừ vào tiền hỗ trợ lần này, gia đình bà vẫn còn nợ 450.000 đồng. Trong số nợ có khoản xây dựng giao thông nông thôn đến 180.000 đồng mà bà vừa đóng trong tháng 4 rồi. Thấy vô lý, bà hớt ha hớt hải chạy về nhà lấy hóa đơn đóng tiền xây dựng giao thông nông thôn nộp lại cho xã, số nợ của gia đình bà mới giảm còn 270.000 đồng. Như vậy, bà vẫn không nhận được tiền hỗ trợ. "Nghe nói đây là tiền hỗ trợ của nhà nước, sao lại trừ ngang, trừ dọc như vậy. Làm thế còn gì là hỗ trợ nữa" - bà Luyến bức xúc.
Hầu hết trong 449 hộ ở thôn Phú Khê 1 đều bị trừ tiền hỗ trợ sản xuất lúa do nợ các khoản đóng góp. Theo bà Võ Thị Buổi, điều bức xúc nhất là chính quyền địa phương không rõ ràng, cứ úp úp, mở mở chuyện hỗ trợ. "Ðây là tiền hỗ trợ của nhà nước, lẽ ra họ phải nói rõ hỗ trợ việc gì, bao nhiêu cho dân mừng, rồi sau đó họ trừ. Ðằng này chỉ nghe thông báo loáng thoáng trên đài truyền thanh đến nhận tiền nhưng đến nơi lại bị trừ nợ, ai mà chịu được" - bà Buổi nói.
Ngay cả ông trưởng thôn Nguyễn Tấn Hùng, người trực tiếp gọi dân đến nhận tiền, cũng không rõ mục đích cũng như định mức hỗ trợ. Ðiều duy nhất mà ông rõ như ông nói là "sợ bà con nợ lâu năm không trả nên UBND xã chỉ đạo sẵn dịp này trừ luôn". Ông Ngô Công Ðồng, Bí thư Chi bộ thôn Phú Khê 1, cũng cho rằng: "Sợ nhận tiền xong, họ bỏ về nên mới trừ như vậy".
Tiền hỗ trợ phải đến tay nông dân
Trong khi đó, ông Phan Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Ðông, cho biết trước khi phát tiền hỗ trợ, ngoài trên đài truyền thanh, xã còn thông báo cho ban thôn để truyền đạt lại cho dân. Sai sót là do ban thôn không truyền đạt. Về việc trừ ngay các khoản nợ do dân đóng góp, ông Khánh thừa nhận sai trong khâu thực hiện. "Chúng tôi chỉ đạo là chỉ vận động để thu đạt chỉ tiêu các khoản dân đóng góp, chứ không chỉ đạo trừ như vậy" - ông Khánh phân bua.
Ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Ðông Hòa, cho biết: "Sẽ kiểm tra vụ này nhưng nếu dân còn nợ thì xã họ trừ chứ sao!".
Trong khi đó, theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trong khi người trồng lúa không có lãi hoặc lãi ít, việc Chính phủ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với lúa 2 vụ và 100.000 đồng/ha/năm đối với lúa một vụ là hết sức cần thiết. "Chủ trương hỗ trợ là để người dân giữ ruộng, bám trụ với cây lúa. Theo tôi, nợ thì trả nhưng tiền hỗ trợ phải đến được tay dân" - ông Tâm bày tỏ. Theo ông Tâm, hơn 13 tỉ đồng tiền hỗ trợ người trồng lúa đã được tỉnh Phú Yên cấp về cho các xã.
Ông Phạm Ðình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng: "Ðã là tiền hỗ trợ theo chủ trương của nhà nước thì đơn vị chức năng phải thực hiện theo quy định. Nếu thấy việc chi trả không đúng với luật pháp thì người dân có quyền khiếu nại".
Bình luận (0)